TPHCM tổng kiểm tra các dự án BOT, BT

UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT trên địa bàn... để báo cáo Ban Cán sự UBND TPHCM trình Thường trực Thành ủy trước ngày 8/12
TPHCM tổng kiểm tra các dự án BOT, BT

Văn phòng UBND TPHCM cho biết thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM về tình hình triển khai các dự án đầu tư trong nước, một số dự án BT, BOT và kết luận thanh tra một số dự án BT, UBND Thành phố đã yêu cầu Sở KH&ĐT khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, trình dự thảo quy trình về quản lý đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn.

Theo đó, dự thảo cần quy định cụ thể các khâu, công đoạn (từ chuẩn bị, triển khai, quản lý, thanh quyết toán, bàn giao công trình...), xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng sở, ngành.

Đồng thời, rà soát, tổng hợp các dự án đầu tư theo hình thức BT có giao đất, sử dụng đất từ đầu năm đến nay; các dự án đầu tư đã triển khai, nhưng chưa xác định được quỹ đất hoặc chưa cân đối đủ quỹ đất để thanh toán, đề xuất phương án xử lý cho từng trường hợp cụ thể, dự thảo văn bản của Ban Cán sự UBND Thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy trước ngày 8/12.

Các dự án phục vụ cho mục đích công sẽ được triển khai bằng hình thức đấu thầu mời gọi đầu tư. Trong thời gian chờ ban hành quy trình này, tạm thời chưa triển khai thêm các dự án mới.

Về kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan các dự án BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường tại TPHCM, UBND Thành phố yêu cầu Thanh tra chủ trì, phối hợp với Sở GTVT và các sở, ngành, đơn vị liên quan, kiểm tra, rà soát kết quả thực hiện nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ (trong đó, cần làm rõ trách nhiệm của UBND TPHCM, trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan) và dự thảo báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kết luận số 1423/KL-TTCP ngày 6/6/2017 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn, trình UBND Thành phố trước ngày 8/12.

Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan rà soát, tổng kiểm kê tất cả quỹ nhà, đất đang quản lý theo Quyết định số 09/2007QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ và các tài sản nhà, đất thuộc sở hữu, quản lý của Thành phố đang giao cho doanh nghiệp sử dụng, khai thác; dự thảo báo cáo chi tiết danh mục, địa chỉ, diện tích, loại nhà đất để Ban Cán sự UBND Thành phố trình Thường trực Thành ủy trước ngày 8/12.

Thanh tra Thành phố phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM xây dựng đề cương thực hiện giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP) và các dự án có giao đất, sử dụng quỹ đất và dự thảo văn bản của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố, báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 8/12.

Sở TN&MT khẩn trương xây dựng quy trình đấu giá quyền sử dụng đất và hình thành quỹ đất sạch đế tạo điều kiện thực hiện các dự án phục vụ phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội; báo cáo kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo quỹ đất phục vụ phát triển trong quý IV/2017 và quý I/2018; báo cáo kết quả hội nghị công bố danh mục kêu gọi đầu tư các dự án xử lý rác đốt thành điện.

Cuối tháng 8 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận về việc chấp hành quy định của pháp luật với 6 dự án đầu tư theo hình thức BT và BOT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại TPHCM, gồm: Xây dựng cầu Phú Mỹ; đường kết nối cầu Phú Mỹ; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương-An Lạc; dự án xa lộ Hà Nội; dự án cầu Bình Triệu 2; dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, hầu hết các dự án BOT nêu trên đều chậm tiến độ, từ đó dẫn đến giảm doanh thu, tăng chi phí, lãng phí vốn đầu tư.

Từ kết luận trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và TPHCM xử lý khoản tiền sai phạm theo kết quả thanh tra là gần 2.200 tỷ đồng. Trong đó phê duyệt không đúng khoản tiền 1.400 tỷ đồng, phê duyệt tăng sai 67 tỷ đồng; giảm tổng vốn đầu tư, điều chỉnh hợp đồng các dự án với giá trị 90 tỷ đồng...

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với UBND TPHCM, Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Dương đã vi phạm các quy định pháp luật, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đã giao nêu trong kết luận thanh tra.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...