Theo báo cáo gần đây của McKinsey cho thấy, việc áp dụng AI trong các lĩnh vực kinh tế đã đạt đến một cột mốc quan trọng, với khoảng 50% doanh nghiệp/tổ chức được khảo sát đã và đang tận dụng AI dưới ít nhất một hình thức nào đó để tối ưu hoá hoạt động kinh doanh của họ.
Các công cụ AI tạo sinh (Generative AI) như DALL-E, Bard và ChatGPT cũng đã được nhiều người áp dụng. Đặc biệt, ChatGPT của OpenAI tự hào với 100 triệu người dùng và hơn một tỷ lượt truy cập hàng tháng.
Lĩnh vực tài chính dẫn đầu trong việc áp dụng AI
Tài chính đã trở thành ngành đi đầu trong việc áp dụng AI. Được sử dụng nhiều trong mảng quản lý rủi ro, thuật toán AI có thể phân tích lượng dữ liệu khổng lồ theo thời gian thực, cho phép phát hiện kịp thời các hành vi gian lận và biến động của thị trường.
Công nghệ AI đã được chứng minh là có thể thay đổi “cuộc chơi” trong không gian quản lý rủi ro. Một cuộc khảo sát do McKinsey thực hiện chỉ ra rằng 48% chuyên gia trong lĩnh vực quản lý rủi ro đã báo cáo một số hình thức tăng trưởng doanh thu nhờ kết quả của việc áp dụng AI. Ngoài ra, 43% số người được hỏi cho biết chi phí hoạt động đã giảm bớt khi AI hợp lý hóa các quy trình, tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại và giảm tỷ lệ sai sót.
Thị trường việc làm
Sự gia tăng trong xu hướng áp dụng AI đã tạo ra nhu cầu về các chuyên gia có kỹ năng về trí tuệ nhân tạo ở Mỹ. Đáng chú ý, ba lĩnh vực hàng đầu có nhu cầu về nhân tài AI cao nhất là Công nghệ Thông tin (5,3% tổng số tin tuyển dụng), dịch vụ chuyên môn, khoa học và kỹ thuật (4,1%), tài chính và bảo hiểm (3,3%). Xu hướng này cho thấy đây là những ngành mà AI có thể tạo ra sự khác biệt lớn nhất.