Triển vọng tăng trưởng ở mức cao nhất

Xét dư địa, triển vọng về mặt cung và về mặt cầu của nền kinh tế, vẫn hoàn toàn có khả năng đạt tăng trưởng ở mức cao nhất trong các dự báo.
Triển vọng tăng trưởng ở mức cao nhất

Năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,21% và lạm phát 4,74%. Kế hoạch năm 2017, Quốc hội dự kiến tăng trưởng 6,7% và lạm phát dưới 4%.

Đây là nhiệm vụ khó khăn, xét trong bối cảnh việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn rất nhiều việc phải làm, thị trường thế giới và chính sách của các nước biến động nhanh.

Các dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á hay Quỹ Tiền tệ quốc tế và cả các tổ chức nghiên cứu trong nước lạc quan với chính sách rõ ràng của Chính phủ, khởi sắc của môi trường đầu tư kinh doanh, với số đăng ký doanh nghiệp tăng vọt... cũng đều đưa ra dự báo tăng trưởng cả năm khoảng 6-6,5%.

Tình hình thực tế trong 4 tháng qua cho thấy các dự báo không cao như trên là có cơ sở nhất định. Những tháng đầu năm tăng trưởng GDP đạt thấp, chỉ 5,1% trong ba tháng đầu năm, thậm chí có ngành bị sụt giảm lớn như công nghiệp khai khoáng. Điều này đặt gánh nặng cho các tháng còn lại của năm 2017.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vẫn hoàn toàn có khả năng đạt tăng trưởng ở mức cao nhất trong các dự báo. Bởi vẫn còn nhiều dư địa của các tiềm năng chưa được khai thác hết, nhất là các đột phá về thể chế và đổi mới phương thức điều hành kinh tế.

Chúng ta hãy điểm lại triển vọng trong các ngành sản xuất nông, công nghiệp và dịch vụ (xét về mặt cung) và về tiêu dùng, đầu tư (xét về mặt cầu) của nền kinh tế.

Khai thác các tiềm năng về mặt cung

Nông lâm ngư nghiệp quý I/2017 đã tăng trưởng đạt 1,98% về giá trị sản xuất và 2,03% về giá trị gia tăng, cao hơn mức suy giảm -1,31% quý I năm 2016, nhưng thấp hơn tốc độ các năm 2014, 2015. Điều này cho thấy nông nghiệp đang khôi phục trong khó khăn, dù thời tiết đã khá thuận lợi.

Những tín hiệu tích cực trong sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu rau quả vừa qua cho thấy, có nhiều tiềm năng cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao, gắn với thị trường trong và ngoài nước. Thủy sản sau sự cố môi trường 4 tỉnh Miền Trung có nhiều khả năng phát triển mạnh hơn nữa.

Với các chính sách mới trong nông nghiệp, nhất là nới rộng hạn điền và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hướng phát triển nông nghiệp vào các lĩnh vực có hiệu quả, năng suất cao ngày một rõ nét hơn.

Dịch vụ có bước phát triển khá, vượt tốc độ quý I năm 2015 và 2016. Thương mại (bán buôn, bán lẻ của nội thương và xuất nhập khẩu) đã có sự phát triển, tăng ở mức 6,2% và tháng 4 tăng lên 6,7%, dù chưa khôi phục mức 7,8% của 4 tháng đầu năm 2016 nhưng đang lấy lại đà tăng trưởng khi xuất nhập khẩu tiếp tục được đẩy mạnh.

Xuất khẩu tăng hơn 15,4%, trong đó xuất khẩu từ các doanh nghiệp trong nước cũng tăng đến hơn 13,7%. Nhập khẩu tăng gần 25% do nhu cầu thị trường được nâng cao, với chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei đã tăng từ mức 54,2 điểm của tháng 2 lên 54,6 điểm trong tháng 3. Thị trường trong nước đang ngày càng cải thiện, với tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng gần 10% trong 4 tháng đầu năm.

Hoạt động du lịch được đẩy mạnh dựa vào các ngành kinh tế làm bệ đỡ như vận tải, lưu trú (doanh thu lữ hành tăng hơn 6% so cùng kỳ) và ăn uống (tăng hơn 11%). Kết quả là khách quốc tế tăng đến hơn 30%, mỗi tháng cả nước đón hơn 1 triệu du khách quốc tế, trong khi khách nội địa ngày càng tăng.

Lĩnh vực đáng quan ngại nhất lúc này là sản xuất công nghiệp. Tình hình tháng 4 vẫn còn khó khăn dù nhìn chung các ngành công nghiệp đã có bước tăng trưởng cao hơn ba tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn mức tăng 4,2% của quý I năm nay, nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 7,3% của cùng kỳ năm 2016. Cần phân tích sâu trong từng phân ngành, từng sản phẩm, từng thị trường để tìm cách phát huy các tiềm năng, lợi thế.

Mức tăng thấp của chỉ số sản xuất công nghiệp IIP (tăng 5,1%) và công nghiệp chế biến chế tạo (tăng 9,2%) trong 4 tháng qua đã không bù đắp được sự giảm sút của phân ngành công nghiệp khai khoáng (giảm 9,7%). Tiềm năng phát triển của ngành chế biến chế tạo còn lớn khi cả năm 2016 ngành này tăng trưởng đến 11,9% nên đã bù được sự giảm sút (-4%) của ngành khai khoáng. Nên chăng, cần có biện pháp cấp bách khôi phục sản xuất ngành khai khoáng một cách bền vững, trong khi các ngành công nghiệp chế tạo đang có điều chỉnh theo hướng tích cực.

Hơn thế, tính chung 3 tháng đầu năm nay, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn hẳn mức tăng cùng kỳ năm 2016 là 10,2%.

Đáng lo ngại là một khi tiêu thụ kém thì tồn kho cũng tăng. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm 01/4/2017 tăng 12,7% so với cùng thời điểm năm 2016 (cùng kỳ năm trước chỉ tăng 8,9%). Hệ quả là, tỷ lệ tồn kho bình quân toàn ngành chế biến, chế tạo 3 tháng đầu năm là 71,9%, cho thấy sự gắn kết sản xuất và thị trường của lĩnh vực này còn yếu kém.

Khai thác tiềm năng về mặt cầu

Có hai chỉ tiêu quan trọng (đầu tư và tiêu dùng) cần xem xét đánh giá để khai thác mạnh mẽ tiềm năng tăng trưởng.

Về đầu tư, theo đánh giá chung, tổng mức đầu tư cả nước còn khó khăn do việc giải ngân vốn Nhà nước còn thấp, trong 4 tháng mới đạt 22% kế hoạch năm và chỉ tăng 3,6% so cùng kỳ năm 2016.

Do đó, cùng với đẩy mạnh đầu tư công khi đã bố trí tốt hơn trong kế hoạch đầu tư trung hạn, cần tiến hành các biện pháp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, nhất là cải cách doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy kinh tế tư nhân.

Tiềm năng trong lĩnh vực đầu tư còn nhiều. Cụ thể, năm 2016 tổng vốn tăng 8,7%, trong đó khu vực tư nhân tăng 9,7% và khu vực doanh nghiệp FDI tăng 9,4% là các điểm đột phá, khi số đăng ký kinh doanh và cam kết vốn của hai lĩnh vực tư nhân trong và ngoài nước (chiếm hơn 62% tổng số vốn toàn xã hội) đều tăng cao hơn mức bình quân.

Năm 2016 tổng doanh nghiệp đăng ký vượt 110 nghìn doanh nghiệp, trong khi 4 tháng đầu năm nay đã có 39.580 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 369,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, để số lượng doanh nghiệp tăng nhanh nhưng đi với chất lượng cao, cần giảm dần số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa dưới nhiều hình thức.

Yếu tố khác liên quan đến tổng cầu cuối cùng là tiêu dùng cuối cùng (không kể tiêu dùng cho chi phí sản xuất kinh doanh) của cả khu vực công và tư. Với chính sách tiết kiệm chi tiêu công thì tiêu dùng tư nhân sẽ trở thành nhân tố quan trọng nhất, tạo ra sức cầu cho nền kinh tế (cầu nội địa).

Để tạo điều kiện tăng cầu thì một mặt tăng trưởng kinh tế có tốc độ cao sẽ là tiền đề để tăng thu nhập, tạo ra khả năng thanh toán của cư dân. Đồng thời cũng cần kiềm chế lạm phát, tránh những điều chỉnh giá do Nhà nước quan lý gây "giật cục", ảnh hưởng tới tâm lý và sức mua thực tế của người dân.

Phát triển du lịch, cải thiện điều kiện nhà ở, phát triển sản xuất hàng tiêu dùng… cũng là những hướng để tăng sức cầu cho nền kinh tế từ nội lực. Thêm vào đó, cần có chính sách vững bền để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng nhập khẩu hợp lý, hạn chế nhập khẩu quá mức…

Hy vọng rằng với chính sách tích cực của Chính phủ, điều hành căn cơ từ cả hai phía cung và cầu, được cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân hưởng ứng, chúng ta sẽ nâng cao hơn năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế.

GS.TSKH, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái/Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm