Từ Siem Reap nghĩ đến... Hội An

Ở châu Âu, các tour tuyến về châu Á đều dùng chung dòng quảng cáo "Tour Đông Dương, một điểm đến ba quốc gia" để giới thiệu hành trình di sản văn hóa đến Siem Reap (Campuchia), Luang Prabang (Lào) và
Từ Siem Reap nghĩ đến... Hội An

Sau gần 20 năm hợp tác, mỗi di sản có nét hấp dẫn riêng, nhưng các điểm đến ngày càng đông du khách, đặc biệt là với người Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Nhưng đông du khách quá cũng là một hệ lụy nếu chất lượng dịch vụ và quản lý không tốt.

Điều mới mẻ dễ thấy nhất ở Siem Reap khi chúng tôi đến đây cuối tháng 7 vừa qua là thay cho sân bay dã chiến đã từng tồn tại 20 năm qua là một khu nhà ga đón khách mới khánh thành. Một khu nhà ga thứ hai cũng đang được xây dựng gần đó, du khách cũng rất thích thú khi những nhà ga sân bay được xây dựng với nét kiến trúc đặc trưng của văn hóa Campuchia, thay vì chỉ mang màu sắc hiện đại như một số cảng hàng không ở nước ta.

Cách nay 10 năm, đi đâu cũng gặp người Pháp và người một số nước Bắc Âu, thì nay Siem Reap đón rất đông du khách châu Á. Điều dễ thấy nhất là sự thay đổi ở các chợ và quán ăn. Món ăn châu Á chủ yếu là phục vụ du khách Trung Quốc. Trong một nhà hàng chuyên đón khách du lịch ăn buffet, những dòng chữ hướng dẫn đều bằng tiếng Anh và tiếng Trung.

Với 5,6 triệu khách quốc tế đến đây vào năm 2017 (mục tiêu đón 7 triệu lượt vào năm 2020), thì đã có 1,7 triệu là khách Trung Quốc, kế đến là khách Việt Nam với khoảng 900.000 lượt. Tổng cục Du lịch Campuchia đã nói về kế hoạch đón 2 triệu khách Trung Quốc vào năm 2020. Để chuẩn bị, quốc gia này đồng thời chú trọng thu hút dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc cho mục tiêu cải thiện cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay, nơi lưu trú.

Với lượng du khách tăng ồ ạt như vậy, nhưng sau 6 năm quay lại nơi này, tôi thấy người Campuchia làm du lịch khá ổn. Từ chỗ mở cửa khá muộn, Ban quản lý Khu Di tích Angkor Wat đã có tour mới đón bình minh tại Angkor Wat để giãn lượng khách tụ tập ở các điểm tham quan chính.

Đồng thời Bộ Du lịch Campuchia cũng nhanh chóng xúc tiến việc mở rộng khu vực tham quan tại di sản văn hóa này bằng việc mở bán các loại tour tham quan cả ngày, hoặc cả tuần nhằm đưa khách vào các khu vực khác của Angkor Wat và Angkor Thom, nên chúng tôi không có cảm giác bị lọt thỏm vào biển người, đông nhất là các đoàn khách Trung Quốc như ở một số nơi tại Quảng Ninh, Nha Trang, Bà Nà.

Đó cũng là điều nên suy nghĩ khi hằng năm có khoảng 130 triệu lượt người Trung Quốc du lịch và các quốc gia láng giềng là những điểm đến hấp dẫn, nhất là cần có chính sách để tiếp nhận tốt hiệu quả kinh tế mà du khách mang lại đồng thời giữ gìn để các di sản không bị ảnh hưởng vì quá tải.

Dịch vụ tại Siem Reap khá ổn, không thấy cảnh láo nháo vì phát triển nóng như một số khu vực khác. Đặc biệt đêm Siem Reap rất yên bình, với những chuyến xe tuk tuk chở khách đi chơi khuya về các khách sạn nằm tận ngoại ô, nhưng không xảy ra cướp bóc hay lừa đảo.

Hiện nay đến Siem Reap du lịch khá dễ dàng với đường bộ, trong khi sân bay Siem Reap bắt đầu nối với nhiều sân bay tại Việt Nam, có cả chuyến bay trực tiếp nối Phú Quốc và Siem Reap. Như vậy không chỉ có người giàu đặt tour trực thăng để thăm các di sản ở Đông Dương, mà khách du lịch bình dân cũng dễ dàng lựa chọn đường hàng không để di chuyển.

Những chuyến bay nối sân bay Nội Bài với Luang Prabang có mức giá khá đắt đỏ làm chúng tôi ngạc nhiên. Như trong tháng 7 và tháng 8 này, khách phải trả tới 6 triệu để có tấm vé khứ hồi Hà Nội - Luang Prabang. Nhưng hành trình đường bộ đến cố đô Lào theo quốc lộ 9 từ phía Quảng Trị, hoặc từ Hà Nội theo quốc lộ 27 khá vất vả, nhưng là tiết kiệm nhất.

Sau gần 20 giờ chạy xe từ Hà Nội hoặc từ Đà Nẵng, cố đô Luang Prabang của Lào luôn khiến du khách không tiếc lời khen tặng bởi nét đẹp cổ kính và bình yên. Không có cái gì quá hoành tráng ở đây, nhưng vùng đất này như một thiên đường để nhiều người từ khắp trái đất đổ về gột rửa hết những sân si. Những bậc thang lên chùa cổ Xieng Thoong như từng bước bỏ lại trần gian ồn ã để tìm về miền đất Phật.

Những quán cà phê bên sông, nơi du khách có thể ngồi cả ngày ngắm người dân Luang Prabang mưu sinh hồn nhiên và tử tế với thiên nhiên. Và ai cũng mong chờ buổi hoàng hôn khi mặt trời dát vàng lên những mái nhà cổ kính, trên mái chùa rêu phong và dòng sông nhẹ trôi. Với phong cách ấy, đến nay Luang Prabang vẫn thu hút khách lớn tuổi Âu - Mỹ.

Luang Prabang lặng lẽ phát triển du lịch với sân bay nhỏ nhắn, khách sạn nhỏ nhắn, khách Âu - Mỹ nhiều. Và ít nhiều những điều này đã giúp giữ được văn hóa của người Lào: chân thật, khiêm nhường, tử tế. Cho đến nay, Luang Prabang mới chỉ kết nối được với Hội An bằng đường bộ, chưa có chuyến bay trực tiếp.

Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương có di sản văn hóa thế giới như Champasak, Luang Prabang đã tiến bộ vượt bậc về hệ thống nhà hàng, khách sạn, vận tải và đời sống người dân được cải thiện nên rất đồng thuận trong việc vừa bảo tồn văn hoá vừa phát triển du lịch.

Ở Việt Nam, Hội An - viên ngọc di sản văn hóa, nhiều năm liền giữ được đầu bảng trong bình chọn của các tạp chí du lịch quốc tế ngày càng nổi tiếng với trên 3 triệu khách mỗi năm. Nhưng những người am hiểu du lịch đều cảm thấy Hội An đang thay đổi quá nhiều so với mong muốn, khi cơn sốt du lịch đã làm biến dạng một phần văn hóa Hội An.

Hàng trăm sản phẩm du lịch "giả mạo" đã được tạo ra phục vụ du khách, những chương trình nghệ thuật mới nhiều tranh cãi, những làng nghề vừa vội vã dựng lên để đón khách không tăng thêm giá trị mà Hội An vốn có. Những dòng chảy vội vã, cứ thế, mỗi tuần Hội An có thêm một khách sạn, một nhà hàng mới mở, khiến chất lượng dịch vụ khó đảm bảo, dù chính quyền Hội An cố gắng dẹp nạn chèo kéo, lừa đảo, chặt chém bằng các mức phạt lớn.

Cảnh nhân viên công vụ thổi còi, rượt đuổi những người bán hàng rong xảy ra hằng ngày trong phố cổ trước mắt du khách cho thấy Hội An đang có dấu hiệu vượt khỏi tầm kiểm soát bởi nhà đầu tư tấp nập đến, quá nhiều lao động từ nơi khác đến nhập cư.

Trong cơ hội đều ẩn chứa những rủi ro, đôi khi là sự đánh đổi. Sau những giai đoạn khó khăn, trầm lặng, nay các viên ngọc di sản văn hóa như Siem Reap, Luang Prabang hay Hội An đều đang thời kỳ đỉnh cao của làn sóng du lịch và đang tận dụng tối đa thế mạnh để đóng góp cho nền kinh tế. Những viên ngọc sẽ tiếp tục sáng rực lên, hay bị "vỡ trận" là nỗi lo ngại khi chính sách quản lý không theo kịp.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm

Vinpearl lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á

Vinpearl lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á

Với sự nỗ lực không ngừng, Vinpearl đã đạt được một cột mốc đáng ghi nhớ khi lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á. Thành công này là kết quả của quá trình đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng dịch vụ, không ngừng đổi mới và mở rộng quy mô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao biểu trưng Thương hiệu quốc gia cho đại diện VNPT VinaPhone

VinaPhone 5G và MyTV được công nhận là Thương hiệu quốc gia

VinaPhone 5G và MyTV vừa vinh dự được công nhận là Thương hiệu Quốc gia, đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của VNPT trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và khẳng định vị thế hàng đầu trên thị trường...

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel vừa chính thức giới thiệu đến người tiêu dùng dòng sơn ngoại thất Dulux Weathershield Royal Shine với tính năng tự làm sạch độc đáo. Đây là dòng sơn sở hữu công nghệ Hybrid Mineral tiên tiến, mang đến giải pháp bảo vệ vượt trội lên tới 12 năm dành cho phân khúc dinh thự cao cấp.