ThaiBev sẽ làm gì với thương hiệu “Bia Sài Gòn”?
Khi chịu chi ra số tiền khổng lồ (5 tỷ USD) trong một thương vụ M&A tại Việt Nam, chắc chắn mục đích của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi và ThaiBev không phải là để tận dụng và hưởng lợi từ cơ sở vật chất, hệ thống sản xuất hay mạng lưới phân phối hiện tại của Sabec. Cái mà họ nhắm tới chắc chắn là thị phần cao ngất ngưởng của Sabeco và giá trị của thương hiệu bia Sài Gòn đã ăn sâu vào tâm thức của bao thế hệ người Việt.
Trong khi đó, giá trị của một thương hiệu đến từ đâu, nếu không phải từ niềm tin, sự ưa thích, thừa nhận của người tiêu dùng. Vậy thì khi đã nắm trong tay thương hiệu bia Sài Gòn, không có lý do gì ThaiBev lại tìm cách cải biến, “Thái” hóa nó, phản bội lại lòng tin của người tiêu dùng để rồi bị người tiêu dùng quay lưng lại.
Chắc chắn, ThaiBev thừa khôn ngoan để biết điều gì tốt nhất cho thương hiệu mà họ đã đầu tư không tiếc tiền của.
ThaiBev sẽ phát triển Sabeco như thế nào?
ThaiBev không phải gã nhà giàu mới nổi vung tiền mua Sabeco để “lấy số lấy má”. Mặc dù bản thân ThaiBev chỉ mới được thành lập từ năm 2003 nhưng nếu tính cả quá trình hình thành và phát triển của 58 công ty đồ uống trước khi sáp nhập thành ThaiBev ngày nay thì ThaiBev đã có lịch sử phát triển cả 200 năm có lẻ.
Với thâm niên như vậy, họ thừa chín chắn và kinh nghiệm để đưa Sabeco phát triển đúng hướng.
Ngoài ra, ThaiBev cũng không phải tay mơ trong lĩnh vực sản xuất, phát triển và quảng bá thương hiệu bia. Họ đã từng lập nên kỳ tích vang dội khi đưa Chang Beer (bia Chang) vượt mặt mọi đối thủ để trở thành “quốc bia” của Thái Lan. Ngày nay, Chang Beer được biết đến trên khắp thế giới như một biểu tượng của “xứ sở nụ cười”, liên tục được vinh danh tại nhiều giải thưởng quốc tế, có mặt tại hơn 50 nước trên khắp thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, châu Âu và nhiều nơi tại châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông…
“Với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, toàn bộ 343 triệu cổ phần Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco đã được bán cho một một cá nhân và một tổ chức tại phiên đấu giá diễn ra ngày 18/12 tại HSX. Số cổ phần này mang lại cho Nhà nước xấp xỉ 5 tỷ USD.
Lợi thế khi đứng trên vai “người khổng lồ”
Mặc dù Bia Sài Gòn của Sabeco là một thương hiệu lớn nhưng nó vẫn đang phải chật vật tìm phương hướng vươn ra khỏi thị trường miền Nam, chưa nói đến thị trường quốc tế.
Ở thị trường phía Bắc họ vẫn chưa thể qua mặt nổi “ông lớn” Habeco đang thống lĩnh thị trường.
Những nỗ lực xuất khẩu sản phẩm nhỏ lẻ ra nước ngoài (mà chủ yếu là các thị trường có nhiều người Việt sinh sống) cho thấy Sabeco vẫn đang trên đường tìm kiếm chỗ đứng trên trường quốc tế.
Trong khi đó, bản thân ThaiBev là một “người khổng lồ” trong ngành đồ uống, sở hữu nhiều nhà máy tại khắp các châu lục và những thương hiệu tỷ USD. Việc bỏ ra đến 5 tỷ USD vào Sabeco đủ chứng minh rằng ThaiBev cực kỳ nghiêm túc và coi trọng Sabeco và chắc chắn sẽ đầu tư những nguồn lực tốt nhất để phát huy hiệu quả tối đa của khoản đầu tư này.
Hơn nữa, ThaiBev còn được sự hậu thuẫn của Tập đoàn TCC với hệ thống bán lẻ khổng lồ mà đứng sau là tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi với khối tài sản lên đến hàng chục tỷ USD. Khi gia nhập vào ngôi nhà ThaiBev, Bia Sài Gòn sẽ nghiễm nhiên sánh vai cùng những tên tuổi lẫy lừng như Chang Beer, Mekhong, SangSom rum trong hệ thống phân phối của Tập đoàn TCC tại nhiều nước như Lào, Campuchia, Myanmar, Singapore, Malaysia và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Khi đó, không khó để Bia Sài Gòn bay cao, bay xa, khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường quốc tế, góp phần tạo nên hình ảnh, thương hiệu chung của bia Việt với hương vị, bản sắc riêng.
Với những lý do trên, mặc dù tất cả chỉ mới sắp bắt đầu nhưng có thể kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng cho Bia Sài Gòn khi đặt niềm tin vào tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi và ThaiBev.