Sự ổn định của tỷ giá
Bình quân so với cùng kỳ năm trước, giá USD hơn 6 tháng qua chỉ tăng khoảng 1,39%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm trước (3,91%). Nếu tính sau 6 tháng (tức là tháng 6 năm nay so với tháng 12 năm trước), giá USD giảm 0,11%.
Sự ổn định như trên càng có ý nghĩa, khi từ đầu năm đến nay, tỷ giá ngoại tệ chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bất lợi, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong vòng 6 tháng đã 3 lần tăng lãi suất; tỷ giá USD tại nhiều nước là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam tăng với tốc độ cao hơn…
Tỷ giá USD ổn định do nhiều yếu tố
Trước hết, lạm phát có xu hướng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. CPI của tháng 6 năm nay giảm 0,17% so với tháng 6 năm trước (cùng kỳ tăng 0,46%). CPI sau 6 tháng cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (tăng 0,2% so với tăng 2,35%). Lạm phát cơ bản bình quân của 6 tháng năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (1,52% so với 1,8%). Lòng tin vào đồng tiền quốc gia được củng cố.
Thứ hai, lượng ngoại tệ từ các nguồn vào Việt Nam tiếp tục dồi dào. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tiếp tục tăng, đạt quy mô cao hơn năm trước (7,72 tỷ USD, tăng 6,5%) và cả năm có thể đạt kỷ lục mới so với kỷ lục cũ đạt được trong năm 2016 (15,8 tỷ USD). Nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ đầu năm đến nay tiếp tục tăng, đạt khoảng 20 tỷ USD...
Thứ ba, việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qua tỷ giá trung tâm đã có tác động tích cực đến tỷ giá, ngăn ngừa hoạt động đầu cơ và phù hợp với cung - cầu ngoại tệ cũng biến động trên thế giới. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi USD duy trì ở mức 0% để khuyến khích người có ngoại tệ bán trực tiếp cho ngân hàng mà không gửi (có tính gián tiếp), trong khi lãi suất tiền gửi bằng VND vẫn duy trì ở mức khá cao. Việc bán ngoại tệ theo đối tượng tiếp tục được kiểm soát, vừa bảo đảm cung cấp kịp thời cho những nhu cầu cần thiết, vừa hạn chế tình trạng “chảy máu” ngoại tệ...
Thứ tư, “cánh kéo tỷ giá” (chênh lệch tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương) của Việt Nam còn khá lớn (hiện khoảng 2,7 lần - tức là 1 USD tại Việt Nam có sức mua tương đương với 2,7 USD tại Mỹ) và lớn hơn so với các con số tương ứng của nhiều nước (Trung Quốc 1,7 lần, Hàn Quốc 1,2 lần, Malaysia gần 2,3 lần...).
Tác động tích cực
Về kinh tế, 6 tháng đầu năm nay, giá nhập khẩu tăng lên, nhưng thấp hơn tốc độ tăng giá xuất khẩu (tăng 3,3% so với tăng 5,27%), nên tỷ giá vẫn có tác động hỗ trợ xuất khẩu. Chẳng thế mà xuất khẩu 6 tháng năm nay tăng tới 18,8%, vượt xa so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (5,9%).
Do tỷ giá không tăng, nên giá vàng trong nước không tăng cùng nhịp với giá vàng thế giới và điều quan trọng là chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế không còn lớn đến mức khuyến khích xuất nhập lậu vàng, đẩy giá USD ngoài thị trường tăng.
Do tỷ giá ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ không còn lớn, Ngân hàng Nhà nước đã tranh thủ mua vào ngoại tệ để đưa dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục như hiện nay. Dự trữ ngoại hối tăng sẽ góp phần bảo đảm an toàn tài chính. Tỷ giá ổn định cũng là cơ hội để kiểm soát lạm phát.