Sau nhiều phiên giảm nhẹ và đi ngang, tỷ giá USD/VND lại bắt đầu nổi sóng. Trong ngày 8 và 9/5, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá trung tâm sau.
Cụ thể, tính để hết phiên 9/5, tỷ giá trung tâm ở dừng mức 24.265 VND, tương đương tăng 20 VND so với mức 24.245 VND cuối tuần trước (ngày 6/5).
Trước đó, tại thị trường liên ngân hàng, tỷ giá cũng có 2 phiên tăng liên tiếp vào ngày 7 và 8/5 với mức tăng 53 VND so với chốt phiên 6/5.
Sau diễn biến từ phía nhà điều hành tiền tệ cũng như trên thị trường liên ngân hàng, gần như ngay lập tức, sáng 9/5 các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng giá USD ở cả 2 chiều, tiệm cận mức đỉnh đã được thiết lập ngày 23/4/2024 (25.488 VND).
Điển hình, Vietcombank nâng giá USD thêm 17 VND lên mức 25.148 - 25.478 tương ứng chiều mua vào và bán ra. Thậm chí, VietinBank còn tăng 83 VND chiều mua và 17 VND chiều bán lên mức 25.228 - 25.478 đồng/USD.
Nhìn chung, tỷ giá đang là “một điểm trừ lớn” trong bức tranh vĩ mô tổng thể của Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng là câu chuyện không thể tránh được trước những tác động trong và ngoài nước như chính sách lãi suất của FED; tình trạng giảm cầu đầu tư; chính sách bảo hộ của các nước lớn; cầu tiêu dùng của thế giới giảm; logistics vận chuyển đẩy giá thành sản phẩm cao; nguyên liệu hàng hóa của các nước bị ảnh hưởng; tâm lý lo sợ căng thẳng xung đột ở khu vực Trung Đông khiến giá vàng nhảy vọt; sự mất cân đối giữa lãi suất VND và USD...
Dĩ nhiên, trong bối cảnh áp lực tỷ giá USD/VND đang gia tăng, những băn khoăn liệu điều này có thúc giục Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành là khó tránh. Câu hỏi càng nổi bật hơn khi lạm phát toàn phần tháng 4/2024 của Việt Nam đã tăng 0,1% so với tháng trước, đẩy lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái lên 4,4%.
Theo nhóm nghiên cứu tại HSBC, khả năng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất vì tỷ giá sẽ không xảy ra. "Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ vượt trần 4,5% trong quý II nhưng cũng chỉ trong thời gian rất ngắn, trước khi có thể giảm xuống dưới 4% so với cùng kỳ năm trước vào quý III", bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC nhận định.
Ngoài ra, HSBC cũng cho rằng việc tăng lãi suất trong khi tăng trưởng tín dụng còn yếu có thể không tốt cho những tăng trưởng kinh tế mới hình thành, và đây cũng không phải "liều thuốc tốt" để hỗ trợ cho đồng nội tệ - VND.
Về phía cơ quan quản lý, bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, quan điểm xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tiền tệ nói chung là hạn chế những biến động quá mức của VND, cho phép tỷ giá biến động linh hoạt để hỗ trợ hấp thu các cú sốc từ bên ngoài, hướng đến ổn định tâm lý, hỗ trợ cho kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại, trong đó có xuất nhập khẩu.
Với tinh thần như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai rất nhiều giải pháp để ổn định được thị trường ngoại tệ, hạn chế áp lực gây mất giá VND, cân bằng, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá.
Bà Mai Thị Trang cũng cho rằng, điều hành tỷ giá ổn định không có nghĩa là cố định mà linh hoạt, nhất là trong bối cảnh những yếu tố tác động bên ngoài khó lường, đặc biệt là lạm phát ở Mỹ khiến FED chưa có động thái rõ ràng về việc có giảm lãi suất hay không. Một số nước như Indonesia vừa tăng lãi suất điều hành… Tất cả những yếu tố trên đều được Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát sao.
Đối với thị trường trong nước thời gian qua cũng đã có những sức ép nhất định đến tỷ giá. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, câu chuyện tỷ giá tăng hay giảm còn phụ thuộc vào những bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước.
Hiện tại, điểm trợ lực cho tỷ giá USD/VND đang đến từ vốn FDI, lượng khách quốc tế và nguồn kiều hối dồi dào. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, dòng vốn FDI mới vào lĩnh vực sản xuất đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, còn vốn FDI giải ngân cũng vọt lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm, đạt hơn 6 tỷ USD. Trong đó, Apple - vốn đã đầu tư gần 16 tỷ USD - vừa công bố ý định đẩy mạnh đầu tư ở Việt Nam sau khi CEO Tim Cook có chuyến thăm.
Trong khi nhu cầu hàng hóa vẫn đang phục hồi dần, nhu cầu đối với dịch vụ du lịch cũng có xu hướng tăng nhờ chính sách nới lỏng thị thực năm ngoái. Việt Nam đã đón tổng cộng hơn 6 triệu lượt khách quốc tế từ đầu năm tới nay. Điều này cho thấy mục tiêu 17-18 triệu khách tới cuối năm hoàn toàn nằm trong tầm tay. Trên thực tế, Việt Nam có tỷ lệ phục hồi hàng tháng cao nhất ở ASEAN kể từ tháng 2.