Tỷ lệ tái chế chất thải của Việt Nam chỉ khoảng 10%

Công tác xử lý chất thải rắn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về công nghệ xử lý, tái chế khiến hoạt động này chưa hiệu quả…

Công tác thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay còn nhiều bất cập

Triển lãm về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước thải tại Việt Nam (Vietwater 2024) và Triển lãm về xử lý chất thải và công nghệ môi trường tại Việt Nam (WETV 2024) đang diễn ra tại TP.HCM, thu hút hơn 450 doanh nghiệp đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

Trên tổng diện tích 10.000m2, tại Vietwater 2024, các doanh nghiệp trưng bày nhiều sản phẩm phục vụ ngành nước và môi trường như công nghệ cấp nước; tưới tiêu và thoát nước; xử lý, quản lý nước thải; xử lý bùn; khử muối, khử nước; bơm, van; màng lọc; ống, phụ tùng nước; kiểm tra, đo lường; cùng nhiều công nghệ nước xanh và bền vững khác.

Trong khi đó, WETV 2024 lại mang đến nhiều đơn vị, chuyên gia chia sẻ về công nghệ thu gom, vận chuyển phế thải, phân loại, tái chế, quản lý và xử lý chất thải; các công nghệ giám sát, đo lường môi trường hay công nghệ tạo năng lượng từ vật liệu phế thải, cùng nhiều hạng mục sản phẩm liên quan đến nước, chất thải khác.

Ngoài hoạt động trưng bày, giới thiệu công nghệ mới, trong khuôn khổ Vietwater 2024 và WETV 2024 còn diễn ra nhiều hội thảo chuyên ngành như: “Chiến lược đổi mới hợp tác nhằm thúc đẩy quản lý nước thông minh”, “Quản lý nước hiệu quả cho phát triển bền vững,” Tái sử dụng Nước Đáp ứng Phát triển Bền vững ngành Nước “ và “Công nghệ thu gom, phân loại, xử lý, tái chế chất thải rắn theo hướng phát triển xanh”…

Chia sẻ tại sự kiện, ông Huỳnh Minh Nhựt, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, cho biết, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2023, tổng lượng chất thải rắn của toàn Việt Nam là 67.877 tấn/ngày, trong đó, khu vực đô thị là 38.143 tấn/ngày, tỷ lệ tái chế chất thải hiện nay chỉ khoảng 10%.

Công tác xử lý chất thải hiện nay đang gặp những khó khăn như công nghệ xử lý, tái chế chất thải chậm phát triển; công tác xử lý, tái chế chưa thật hiệu quả, do thiếu cơ chế chính sách quản lý hỗ trợ đầu tư, vận hành, thiếu công nghệ phù hợp với điều kiện của từng địa phương, thiếu quy hoạch quản lý chất thải mang tính thiết thực cho vùng và địa phương.

Mặt khác, công tác quản lý doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Đặc biệt, lĩnh vực đấu thầu công tác quét, thu gom, vận chuyển, trung chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Theo ông Nhựt, Vietwater 2024 và WETV 2024 là sự kiện có ý nghĩa, mở ra nhiều cơ hội cho các đơn vị trong ngành có cái nhìn tổng quan về cơ chế chính sách mới, thực trạng quản lý, xử lý nước thải, chất thải và môi trường tại Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành tìm hiểu, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường, công nghệ tái chế, tái tạo năng lượng hướng đến áp dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch trong hoạt động xử lý, tái chế nước thải, chất thải góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm