Ngày 25/4, Tập đoàn Vingroup – Công ty Cổ phần (mã chứng khoán: VIC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Tại phiên thảo luận, cổ đông cho rằng thị trường xe điện không còn thuận lợi. Về vấn đề này, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup cho rằng, xe điện hiện nay không hết thời, mà là xu thế bền vững không thể đảo ngược.
Đặc biệt, quá trình phát triển xe điện đã có những công nghệ mới làm cho chi phí của pin rẻ hơn, dần dần xe điện sẽ chi phí ngang ngửa với xe xăng. Hiện nay, những xe không pin của Vinfast thì đang được bán với giá rẻ hơn xe xăng cùng loại. Như vậy, chi phí pin cộng với chi phí sản điện đã giảm đi rất nhiều.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về dòng tiền, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nêu rõ, thị trường nghi ngờ dòng tiền của Vingroup không có cơ sở, đây chỉ là tin đồn. Đến thời điểm hiện tại, VIC chưa chậm các ngân hàng 1 đồng tiền lãi nào.
“Tất nhiên chúng ta đều khó khăn nhưng tôi cho rằng khó khăn nhất đã qua rồi, giai đoạn thị trường phục hồi đã quay trở lại. Vinhomes vừa qua đã bán được lượng hàng khổng lồ. VinFast lần đầu tiên trở thành thương hiệu có doanh số lớn nhất ở Việt Nam.
Do đó những cái nghi ngờ đó là không có cơ sở. Từ lâu tôi đã nói VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới. Để đi được vững vàng trên con đường này, VinFast sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chúng tôi dành tất cả nguồn lực cho VinFast, không có chuyện chúng tôi sẽ buông bỏ VinFast. Tôi đã tài trợ cho VinFast 1 tỷ USD. Tới đây cá nhân tôi sẽ tiếp tục thu xếp tài trợ cho VinFast 1 tỷ USD nữa”, ông Vượng chia sẻ.
Đối với vấn đề niêm yết các công ty con, hiện nay công ty đang làm hồ sơ niêm yết Vinpearl, hy vọng vào cuối năm nay thị trường sẽ thuận lợi để quá trình lên sàn thành công. Còn kế hoạch thoái vốn các công ty khác, hiện tập đoàn chưa có kế hoạch. Còn Xanh SM đang được VIC tiến hành mở rộng ra các thị trường quốc tế và cũng đang chuẩn bị kế hoạch để có thể niêm yết trên thị trường quốc tế.
Quay trở lại với nội dung đại hội, với mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, năm 2024, VIC đã thông qua mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 200.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 4.500 tỷ đồng.
Để đạt được kế hoạch đề ra, năm 2024, Vingroup tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố 3 trụ cột chính. Cụ thể, ở trụ cột công nghệ - công nghiệp, VinFast sẽ mở rộng hoạt động tại nhiều thị trường mới trên thế giới. Nhằm cải thiện biên lợi nhuận, VinFast cũng thực hiện nghiên cứu các sáng kiến thiết kế nhằm giảm chi phí nguyên vật liệu, đồng thời tìm nguồn cung ứng và mua hàng hiệu quả để tối ưu chi phí.
Về thương mại – dịch vụ, Vinhomes đặt mục tiêu gia tăng doanh số thông qua việc ra mắt các dự án mới và kiện toàn kênh phân phối, đẩy mạnh mô hình O2O. Theo đó, Vinhomes sẽ hoàn thiện hệ thống phân phối tự doanh song song với hệ thống đại lý hiện có trên toàn quốc, tiếp tục cải thiện hệ thống kinh doanh online, hướng tới nâng cao trải nghiệm mua hàng, minh bạch hóa chính sách và giá cả sản phẩm, tạo dựng niềm tin và tối đa hóa lợi ích cho khách hàng.
Còn Vinpearl tiếp tục duy trì nhận diện thương hiệu hàng đầu về vui chơi – giải trí - nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng vượt bậc so với năm 2023, thông qua việc đẩy mạnh khai thác nguồn khách, các kênh bán hàng và đưa ra các chiến lược marketing mới.
Trước đó, năm 2023, doanh thu thuần của VIC đạt 161.428 tỷ đồng, tăng 59% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 2.056 tỷ đồng, tương đương với năm 2022. Như vậy, Vingroup đã đạt 85% doanh thu và 103% lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch đã đề ra trong năm 2023.