Chiều 11/4, tại thị trường châu Á, giá dầu Brent giao tháng Sáu giảm 2,12 USD (2,1%) xuống 100,66 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York giảm 2,21 USD (2,3%) xuống 96,05 USD/thùng.
Các quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ xuất kho dự trữ 60 triệu thùng dầu trong vòng sáu tháng tới. Mỹ cũng có kế hoạch giải phóng 180 triệu thùng từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược được công bố trong tháng Ba.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định thông báo giải phóng kho dự trữ dầu của các nước sẽ giúp nới lỏng tình trạng thắt chặt của thị trường trong những tháng tới và kiềm chế đà tăng của giá dầu trong ngắn hạn.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan (Mỹ), việc giải phóng lượng dầu từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) khoảng 1,3 triệu thùng/ngày trong sáu tháng tới sẽ đủ để bù đắp tình trạng thiếu hụt 1 triệu thùng/ngày từ Nga.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đang theo dõi những diễn biến tại Trung Quốc, khi các nhà chức trách đã phong tỏa Thượng Hải để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Hiện Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Chuyên gia Jeffrey Halley của sàn giao dịch tiền tệ OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ) cho rằng mối lo ngại về đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm trong phiên đầu tuần này, khi lệnh phong tỏa tại Thượng Hải chưa có dấu hiệu được dỡ bỏ.
Nhà phân tích Staunovo của UBS cũng cho rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ chịu tác động tiêu cực do chính sách hạn chế di chuyển tại Trung Quốc và các lệnh trừng phạt đối với Nga.