Úc triển khai quy định mới đối với phương thức mua trước, trả sau

Úc có kế hoạch áp dụng luật tín dụng tiêu dùng đối với ngành công nghiệp dịch vụ thanh toán mua trước, trả sau…

Các công ty mua trước, trả sau thường cung cấp các khoản vay ngắn hạn không lãi suất tại chỗ với rất ít yêu cầu kiểm tra tín dụng. Đây là một trong số những điểm thu hút lớn nhất của mua trước, trả sau và đã giúp lĩnh vực này chứng kiến hoạt động kinh doanh tăng vọt trong bối cảnh thị trường mua sắm trực tuyến bùng nổ. 

Nhưng những lo ngại về nợ cá nhân đang gia tăng khi Úc phải đối mặt với lạm phát cao, hiện đang ở mức cao gần 30 năm. Chính phủ Úc tin rằng mua trước, trả sau phải được coi là tín dụng vì nó có tác động tương tự đối với người đi vay.

Cho đến nay, việc không tính lãi suất đã giúp các nhà cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau được miễn trừ khỏi quy định tín dụng tiêu dùng. 

Theo dự luận mới được công bố, Úc sẽ quy định dịch vụ mua trước, trả sau như một sản phẩm tín dụng tiêu dùng, buộc các nhà cung cấp phải tiến hành kiểm tra lý lịch trước khi cho vay. Dự luật sẽ sớm được đưa ra quốc hội vào cuối năm nay.

“Mua trước, trả sau giống như tín dụng, nó hoạt động như tín dụng và cũng mang theo những rủi ro của tín dụng,” Bộ trưởng Dịch vụ Tài chính Stephen Jones chia sẻ trong một bài phát biểu tại Sydney. “Kế hoạch của chúng tôi là thúc đẩy việc sử dụng mua trước, trả sau một cách an toàn và thận trọng; đồng thời hạn chế nguy cơ vỡ nợ đối với những cá nhân không có đủ khả năng chi trả”, ông Stephen Jones nói thêm.

Chính phủ Úc sẽ yêu cầu các công ty mua trước, trả sau tuân theo nghĩa vụ cho vay có trách nhiệm, bao gồm kiểm tra tín dụng trước khi cho vay, thông báo cho khách hàng khi hạn mức tín dụng tăng và tuân theo các quy trình giải quyết tranh chấp bị ràng buộc bởi luật pháp.

Động thái này sẽ đặt các công ty như Afterpay, thuộc sở hữu của Block Inc, và Zip Co dưới sự giám sát của Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Úc (ASIC). 

mua trước, trả sau

Đưa ra phản hồi sau khi tin tức được công bố, người phát ngôn của Afterpay cho biết sự thay đổi mới là bước tiến mạnh mẽ đầu tiên trong quá trình phát triển khung pháp lý cho dịch vụ mua trước, trả sau. Trong khi đó, giám đốc điều hành của Zip Peter Gray chỉ nói rằng hoạt động kinh doanh của họ vẫn sẽ như bình thường vì công ty luôn tuân thủ luật tín dụng của Úc đối với các dịch vụ của mình. 

Cổ phiếu của các nhà cung cấp mua trước, trả sau được niêm yết ở Úc đã biến động trái chiều vào giữa phiên 22/5 khi các nhà đầu tư hiểu thêm được về quy định mới. Cổ phiếu niêm yết tại địa phương của chủ sở hữu Afterpay, Block Inc. giảm 1,5% trong khi cổ phiếu của Zip giảm 5%.

Úc hiện có khoảng 7 triệu tài khoản mua trước, trả sau đang hoạt động với 10 nhà cung cấp chính thức. Trong năm 2021 - 2022, các giao dịch mua trước, trả sau tại đây có giá trị lên đến 16 tỷ AUD (tương đương 11 tỷ USD), tăng 37% so với trước đó. 

Người dân Úc đã chi 63,8 tỷ AUD để mua sắm trực tuyến vào năm 2022, trong đó 26% cho biết họ đã sử dụng mua trước, trả sau để thanh toán khi mua hàng, số liệu của ngành bán lẻ cho thấy.

Các công ty mua trước, trả sau phần lớn kiếm thu nhập từ một tỷ lệ phần trăm phí bán hàng cho người bán, để đổi lấy cung cấp thêm các dịch vụ tiện ích và hướng người mua hàng đến với họ. Mua trước, trả sau có tính phí trả chậm đối với người vay, nhưng vẫn khuyến khích trả nợ đúng hạn với lời hứa về giới hạn tín dụng cao hơn.

Andrew Grant, giảng viên tài chính tại Trường Kinh doanh Đại học Sydney nhận xét, các quy định mới sẽ giúp tạo sự minh bạch cho các nhà cung cấp tín dụng trong ngành mà không gây hại cho phần lớn người dùng, mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm thuận tiện và phù hợp với các lợi thế của mua trước, trả sau.

Xem thêm

Mua trước trả sau và nguy cơ sa... “bẫy nợ”

Mua trước trả sau và nguy cơ sa... “bẫy nợ”

Mang đến tác động tích cực cho nền kinh tế, nhưng dịch vụ mua trước trả sau lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt ở thế hệ trẻ, những người chưa có cơ sở thu nhập ổn định…

Có thể bạn quan tâm