Về cơ bản, mua trước trả sau có nhiều điểm tương đồng với hình thức mua trả góp qua thẻ tín dụng. Chúng đều cho phép khách hàng kéo dài thời gian thanh toán cho các giao dịch mua bán.
Tuy nhiên, điểm mạnh của hình thức này là sự vận hành dựa trên nền tảng công nghệ mới, thúc đẩy quá trình đăng ký tài khoản vô cùng nhanh chóng và đơn giản (không yêu cầu chứng minh tài chính) cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn như 0% lãi suất, lựa chọn tần suất thanh toán phù hợp…
theo báo cáo của Văn phòng Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ, tuy các gói mua trước trả sau chỉ chiếm mới 5% tổng chi tiêu thương mại điện tử nhưng dịch vụ này lại có tốc độ phát triển nhanh đáng kinh ngạc, tăng gần gấp 10 lần trong gần 3 năm từ 2019 - 2021.
Các chuyên gia nhận định, mua trước trả sau sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam, thậm chí được cho là có thể tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.
Mua trước trả sau mang tới lợi ích đa chiều?
Có ba bên liên quan đến giao dịch mua trước trả sau – người tiêu dùng, người bán và nhà cung cấp dịch vụ tài chính (thường là công ty công nghệ tài chính - fintech).
Trong một giao dịch mua trước trả sau, nhà cung cấp dịch vụ tài chính (người cho vay) thanh toán cho người bán tại thời điểm giao dịch diễn ra, chịu trách nhiệm cấp tín dụng và thu các khoản thanh toán từ người tiêu dùng trong suốt một thời hạn nhất định, thường trong khoảng từ vài tuần đến vài tháng.
Tuy có cách thức vận hành gần giống với vay trả góp thẻ tín dụng, nhưng một trong những điểm mạnh chính của mua trước trả sau là yếu tố không tính lãi suất cho người mua mà chỉ tính phí phạt trả chậm trễ theo phần trăm giá trị sản phẩm.
Trong khi đó, các công ty mua trước trả sau sẽ thu lợi nhuận từ mức phí trung gian mà bên bán hàng trả cho họ, dao động trong khoảng từ 2,5% đến 12,5% tổng khối lượng hàng hóa.
Dù đôi khi có mức phí trung gian khá cao, nhưng mua trước trả sau lại mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp bán lẻ trong công cuộc thu hút người tiêu dùng, đặc biệt là ở những sản phẩm/dịch vụ có mức giá cao. Mua trước trả sau giúp thúc đẩy gia tăng doanh số, tiếp cận nhiều tập khách hàng ở các cấp độ tài chính khác nhau, đồng thời hỗ trợ xoay vòng dòng vốn một cách tích cực. Bên cạnh đó, mua trước trả sau còn góp phần cải thiện mối quan hệ và tăng độ liên kết giữa người tiêu dùng và thương hiệu.
Đối với khách hàng, đặc biệt là giới trẻ, mua trước trả sau mang đến cho họ thêm lựa chọn mua hàng thuận tiện và linh hoạt, có thể sở hữu ngay sản phẩm/dịch vụ mình muốn dù chưa có khả năng tài chính để thanh toán toàn bộ chi phí. Mọi thao tác quy trình lại có thể được thực hiện trên điện thoại di động, phù hợp với thị hiếu của người dùng hiện đại.
Cùng với đó, sự tăng tốc của thương mại điện tử cũng như xu hướng đẩy mạnh ngày hội ưu đãi mua sắm như Prime Day, Black Friday và Cyber Monday đã góp phần mang lại thành công cho mua trước trả sau trong những năm gần đây.
Dư địa tăng trưởng dồi dào
Ở Việt Nam, mua trước trả sau được đánh giá là sở hữu tiềm năng to lớn để khai thác, mở rộng các giải pháp tiên tiến. Theo Research and Markets, lĩnh vực mua trước trả sau ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định trong vài năm tới, ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 45,2% trong giai đoạn 2022-2028. Tổng giá trị hàng hóa mua trước trả sau trong nước sẽ tăng từ 496 triệu USD vào năm 2021 lên đến hơn 4,7 tỷ USD vào năm 2028.
Không chỉ tại Việt Nam, hệ thống mua trước trả sau ở nước láng giềng Thái Lan cũng được người tiêu dùng ưu ái khi giá cả tiêu dùng tăng vọt. Kỳ vọng tăng trưởng trung và dài hạn của mua trước trả sau ở Thái Lan vô cùng lạc quan, với tốc độ CAGR là 33% trong giai đoạn 2022-2028. Tổng giá trị hàng hóa BNPL tại xứ sở Chùa Vàng được dự đoán sẽ tăng từ 1,7 tỷ USD vào năm 2021 lên 16,5 tỷ USD vào năm 2028, theo IBSintelligence.
Ở các nước lớn phương Tây, đặc biệt phải kể đến Vương quốc Anh, mua trước trả sau đã lan toả mạnh mẽ trong suốt thời kỳ đại dịch và tiếp tục đà tăng trưởng khả quan. Nhu cầu cho dịch vụ này đã tăng cao ở tất cả các nhóm tuổi người tiêu dùng, bao gồm cả nhóm cao niên, những người đang phải siết chặt “hầu bao” khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến họ phải tìm tới tín dụng ngắn hạn. Thị trường mua trước trả sau tại Anh hiện trị giá 2,6 tỷ bảng Anh với gần 30% người tiêu dùng nước này sử dụng dịch vụ thường xuyên, Theo báo cáo của Trung tâm Năng lực Tài chính Vương quốc Anh.
Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, chỉ riêng trong năm quá, đã có tới 50 triệu người tiêu dùng ở Hoa Kỳ đã sử dụng mua trước trả sau. Trong khi đó, lượng giao dịch hàng hóa, dịch vụ bằng phương thức mua trước trả sau tại nước này đã tăng 230% kể từ đầu năm 2020 đến nay. Quy mô mua trước trả sau ở thị trường Mỹ được định giá 141,8 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 33,3% trong giai đoạn 2021-2026, trích dẫn số liệu từ Global Data.
Nhìn chung, mua trước trả sau được kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 438 tỷ USD, tương đương 5,3% giá trị giao dịch thương mại điện tử toàn cầu vào năm 2025, tăng từ mức 2,9%, tương đương 157 tỷ USD vào năm 2021, báo cáo thanh toán toàn cầu năm 2022 của Dịch vụ Thông tin Quốc gia Fidelity Hoa Kỳ (FIS) chỉ ra.
Tuy đã có những bước phát triển đáng chú ý nhưng thực tế mua trước trả sau vẫn là một dịch vụ đang ở giai đoạn sơ khai, cần tới nhưng quy định và khung pháp lý tiêu chuẩn để có thể hạn chế rủi ro đối với các bên liên quan, đặc biệt là trong việc bảo vệ người tiêu dùng.