Tham dự chương trình có ông Mai Xuân Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội; ông Hồ Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao – Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương; ông Đinh Văn Hồng, Ủy viên ban Thường vụ VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam; PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội; bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch thường trực VACOD; bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA cùng các doanh nhân đến từ hai Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội – HBA.
THÁNG 10 SÔI ĐỘNG CHUỖI SỰ KIỆN QUAN TRỌNG
Mở đầu chương trình “Bữa sáng doanh nhân”, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.Hà Nội – HBA thông tin đến các vị khách mời và hội viên một số nội dung quan trọng. Trước hết về việc hợp tác giữa Công ty Cổ phần Công nghệ Gen AI và hai Hiệp hội. Cụ thể, trong khuôn khổ chương trình Bữa sáng Doanh nhân tuần trước, diễn giả Vũ Thị Dung, lãnh đạo GenAI đã giới thiệu về công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và vấn đề ứng dụng AI vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nắm bắt xu thế phát triển chung, Chủ tịch Sơn đã nhanh chóng gặp gỡ lãnh đạo của GenAI và chuyên gia Vũ Thị Dung. Kết quả là người đứng đầu VACOD-HBA đã “chốt” với GenAI về việc cấp tài khoản và hỗ trợ tập huấn sử dụng AI cho cán bộ hai văn phòng VACOD-HBA và cán bộ, phóng viên Tạp chí Thương gia. Văn phòng hai Hiệp hội đã chính thức áp dụng ngay sản phẩm công nghệ trí tuệ nhân tạo của GenAI là Aidu vào công việc thường ngày và cho thấy hiệu quả đáng kể.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cho biết, GenAI sẽ đồng hành cùng hai hiệp hội trong chuỗi sự kiện quan trọng tổ chức trong tháng 10 sắp tới. Ông Sơn cũng thông báo tin vui, sau thời gian làm quen, tiếp cận công nghệ AI, cùng với việc tiên phong đi đầu của VACOD-HBA trong ứng dụng AI, một số doanh nghiệp thành viên đã nhìn ra những giá trị Aidu mang lại và đang tiến hành đàm phán hợp tác với GenAI. Đây được đánh giá là tín hiệu đáng mừng khi các doanh nghiệp đã có thể nhìn thấy những tiềm năng to lớn của công nghệ AI để đưa Aidu áp dụng trong hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực của mình.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, các doanh nghiệp hội viên sẽ được hưởng những đặc quyền ưu đãi chỉ áp dụng riêng với hội viên của VACOD-HBA khi hợp tác, sử dụng sản phẩm công nghệ của GenAI. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn khuyến khích các doanh nghiệp cần chủ động đàm phán nhưng nên thông báo đến hiệp hội. Bởi với sự hỗ trợ của hiệp hội, doanh nghiệp sẽ được hưởng những chế độ phục vụ tốt nhất và ưu đãi về giá thành dịch vụ. Bên cạnh đó, GenAI cũng chủ động thông báo lại với hiệp hội việc doanh nghiệp hội viên tham gia ứng dụng sản phẩm công nghệ GenAI để các doanh nghiệp được hưởng quy chế đàm phán chung của hiệp hội.
Chủ tịch Sơn nhấn mạnh: “Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất là hữu ích vì đây cũng chính là bước tiếp theo để thực hiện quá trình phổ biến công nghệ số, chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung của xã hội”. Đây là nguồn tài nguyên của nhân loại, là kết quả phát minh của thế giới nên bất kể doanh nghiệp nào cũng có cơ hội tiếp cận và áp dụng nhằm khai thác những tiềm năng của ứng dụng công nghệ AI. Trên thực tế, AI đã len lỏi vào nhiều lĩnh vực trong đời sống và cũng cho thấy tính năng ưu việt, được cá nhân hóa trong mọi loại hình hoạt động kinh doanh không chỉ riêng với doanh nghiệp. Ví dụ một người bán hàng online hoàn toàn có thể sử dụng AI như một cộng sự hỗ trợ trong công việc hay lãnh đạo các doanh nghiệp lớn sử dụng AI như một trợ thủ đắc lực giúp tiết kiệm nguồn nhân lực, thời gian nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao. Khách hàng sẽ lựa chọn và ứng dụng AI sao cho phù hợp với hoạt động riêng của mình, sản phẩm sẽ dần được “thuần hóa” và mang bản sắc riêng của người sử dụng.
Nội dung thứ hai được Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn thông tin trong chương trình là công tác chuẩn bị các sự kiện chào đón tháng 10 đặc biệt với các doanh nhân. VACOD-HBA đang gấp rút thực hiện các công tác chuẩn bị cuối cùng cho chuỗi sự kiện quan trọng trong sắp tới. Trong đó, Chương trình Gala Doanh nhân Thăng Long sẽ được tổ chức vào chiều ngày 4/10 tại Khách sạn Daewoo Hà Nội. Đây là hoạt động thường niên, mang tính truyền thống của HBA được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008. Năm nay sự kiện càng thêm phần ý nghĩa bởi ngày 13/10/2024 tròn 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Đối với chuỗi sự kiện của VACOD tổ chức tại Điện Biên từ ngày 17-19/10, Chủ tịch Sơn cho biết sắp xếp thời gian như vậy nhằm mục đích để các hiệp hội địa phương tổ chức sự kiện ngày doanh nhân 13/10 một cách thuận lợi. Chương trình Hội nghịxúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024 với chủ đề VACOD - ĐIỆN BIÊN: TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI – HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI sẽ được thực hiện mang tính tổng kết. Trong chuỗi sự kiện, Chương trình Giao lưu Doanh nhân 3 miền Bắc – Trung – Nam năm 2024 sẽ là cơ hội để doanh nhân cả nước có dịp kết nối, giao lưu, phát triển hoạt động nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam.
Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024 với chủ đề VACOD - ĐIỆN BIÊN: TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI – HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI là sự kiện nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và kêu gọi đầu tư – du lịch cho các địa phương… Trong đó bao gồm hội thảo, tọa đàm nhằm nghiên cứu trao đổi về các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, du lịch dựa trên những đặc điểm, đặc thù địa lý kinh tế của tỉnh Điện Biên nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung.
Theo Chủ tịch Sơn, đây là cơ hội đặc biệt để tỉnh Điện Biên triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, kêu gọi nguồn lực từ các doanh nghiệp trên khắp cả nước đầu tư vào Điện Biên nhằm phát triển nhanh và bền vững các ngành dịch vụ du lịch, ngành nông nghiệp công nghệ cao và các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đồng thời, sự kiện cũng là dịp đón mời các doanh nghiệp cả nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp xúc với các dự án đầu tư, thương mại, du lịch và tiềm năng, lợi thế, cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh Điện Biên dành cho các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối giao thương, học tập kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm thị trường với các doanh nghiệp tỉnh Điện Biên và các doanh nghiệp VACOD trên mọi vùng miền tổ quốc.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn thông tin về hội nghị tại Điện Biên, Ban tổ chức sẽ mời các chuyên gia kinh tế cao cấp của các cơ quan trung ương, các tổ chức và viện nghiên cứu, đào tạo để cùng nhau toạ đàm, thảo luận tìm ra các giải pháp đề xuất với trung ương, Chính phủ và với lãnh đạo tỉnh Điện Biên về các chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung, kêu gọi và định hướng cho các doanh nghiệp cả nước đầu tư và kinh doanh vào tỉnh Điện Biên.
Ông cho biết thêm, tại hội nghị này các doanh nghiệp cũng sẽ được lắng nghe các ý kiến, phản biện, tư vấn của các chuyên gia cao cấp về kinh tế, ý kiến của các vị lãnh đạo trong công tác hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ các doanh nghiệp Điện Biên quảng bá thương hiệu, thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và kêu gọi đầu tư du lịch cho tỉnh Điện Biên.
“Hội nghị Trung ương 10 khoá 13 vừa bế mạc cũng đề cập đến nội dung then chốt chính là phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là lĩnh vực mang tính quyết định có vai trò quan trọng sẽ được chú ý làm rõ tại Đại hội 14 sắp tới đây”, ông Sơn nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Hồng Sơn nhìn nhận Điện Biên vẫn đang là một trong những tỉnh khó khăn của vùng Tây Bắc, vậy phải làm sao để thúc đẩy một số ngành kinh tế, dịch vụ có thế mạnh của tỉnh như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn thật sự để phát triển mạnh và bền vững hơn nữa. Từ đó, các chuyên gia nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ những cơ chế giúp tỉnh Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung có những chính sách đưa được các doanh nghiệp ngoài tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp của VACOD tới đây đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Liên quan chuỗi hoạt động tại Điện Biên, TS. Nguyễn Hồng Sơn mong muốn đại diện Bộ Công Thương sẽ có nội dung tham luận về xúc tiến thương mại hai chiều cho tỉnh Điện Biên. Cụ thể là xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp vào tỉnh Điện Biên và xúc tiến thương mại hàng hóa của Điện Biên ra ngoài khu vực địa phương. Ông Sơn đề nghị bà Nga đặt vấn đề với Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương hỗ trợ hai Hiệp hội nội dung quan trọng này.
Trong chuỗi sự kiện tại Điện Biên còn bao gồm hoạt động ký kết hợp tác giữa VACOD và khoảng trên 10 hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch hành động của VACOD được đề ra tại Đại hội ngày 25/10/2022, nhằm tăng cường kết nối với các doanh nghiệp địa phương. Theo thống kê, sau chưa đầy 2 năm triển khai, tính đến nay VACOD đã ký thoả thuận hợp tác với 26 hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh. Mục tiêu trong thời gian tới, VACOD sẽ cố gắng ký kết hợp tác với tất cả các hiệp hội doanh nghiệp của các tỉnh thành trên toàn quốc. VACOD kết nối, thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp không chỉ là hội viên VACOD, mà còn cả với các doanh nghiệp thuộc các hiệp hội địa phương đã tham gia thỏa thuận hợp tác chung với VACOD.
“Đây là thành công trong quá trình kết nối giữa các doanh nghiệp của VACOD. Chúng ta đang làm tốt vai trò của một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà vì mục tiêu chung là phục vụ quyền lợi của doanh nghiệp. Đây cũng là tiền đề để VACOD có cơ hội mở rộng kết nối với các hiệp hội cấp trung ương”, Chủ tịch Sơn chia sẻ.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn đề nghị các doanh nghiệp sớm đăng ký tham dự các chương trình sự kiện, để công tác chuẩn bị của hai Hiệp hội được thực hiện chu đáo nhất.
VĂN HÓA DOANH NGHIỆP - KIM CHỈ NAM CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Một nội dung quan trọng khác được Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn đề cập trong chương trình “Bữa sáng doanh nhân” sáng 21/9 là việc VACOD-HBA kết hợp với Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, phát động các hội viên đăng ký tham gia chương trình Chương trình xét, công nhận"Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam"năm 2024. Đây là chương trình thường niên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lấy ngày 10/11 là ngày Văn hóa Doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được chứng nhận đạt chuẩn là các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng quốc gia xét duyệt "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam" lựa chọn.
Sau khi phát động, nhiều doanh nghiệp hội viên VACOD-HBA đã chủ động đăng ký tham gia. Cụ thể, tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ xét duyệt, hai Hiệp hội đã có khoảng 30 doanh nghiệp đăng ký tham gia bình xét. Hội đồng sẽ bình xét và trao tặng chứng nhận cho các doanh nghiệp đạt chuẩn. Dự kiến chương trình sẽ diễn ra vào ngày 10/11 tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội nhằm chào mừng ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.
2024 là một năm đặc biệt khi chương trình không chỉ được tổ chức trong nước. Ngày 13/9 mới đây, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở thủ đô Paris (Cộng hoà Pháp) đã diễn ra sự kiện “Ngày văn hoá doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất - Paris 2024”, với sự tham dự của gần 150 đại diện các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đến từ Pháp và các nước châu Âu, cũng như doanh nghiệp Pháp hợp tác với Việt Nam.
Điểm nhấn của sự kiện là Diễn đàn với chủ đề “Văn hóa kinh doanh Việt Nam và châu Âu: góc nhìn đan xen”, được tổ chức bởi Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, với mục tiêu nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa kinh doanh trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với Pháp và châu Âu.
Sự kiện không chỉ góp phần hiện thực hóa và lan tỏa tinh thần các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, mà còn là một trong những hoạt động chào mừng 79 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam tại địa bàn Pháp.
Về sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Pháp, ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban tổ chức triển khai Cuộc vận động "Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam", Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam cho biết "Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài" sẽ được tổ chức thường niên và luân phiên tại các địa bàn khác nhau để đưa văn hóa kinh doanh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đồng thời tiếp thu tinh hoa của các đối tác nước ngoài để hai bên cùng nhau phát triển. Chương trình năm nay được tổ chức hướng đến: Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại châu Âu; Cộng đồng các doanh nghiệp người Việt Nam hoạt động tại châu Âu và Doanh nghiệp châu Âu đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Chương trình được tổ chức nhằm kết nối giao thương, trên cơ sở đề cao văn hóa, bản sắc riêng của doanh nghiệp. Tại đây, các doanh nghiệp có thể chia sẻ những khó khăn, thành công để tìm ra những điểm chung, xây dựng cầu nối đưa các doanh nghiệp đến gần nhau, tạo tiền đề các đơn vị hiểu nhau và làm việc dựa trên sự thông hiểu về văn hóa, bản sắc riêng biệt.
Ông Tuấn cũng trân trọng mời các lãnh đạo, doanh nhân của VACOD-HBA tham dự chương trình sắp tới diễn ra vào ngày 10/11 tại Hà Nội. Trong thời gian tới, Ông rất mong muốn lan tỏa giá trị của ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tới các doanh nghiệp trong hai Hiệp hội nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung, bởi văn hóa doanh nghiệp là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Tuy đây có vẻ là vấn đề mang tính trừu tượng, nhưng đã được lượng hóa thành những công cụ đo lường với những tiêu chí cụ thể để các doanh nghiệp có cái nhìn đúng đắn về văn hóa trong hoạt động doanh nghiệp.
Tham dự chương trình Bữa sáng doanh nhân lần này, ông Hồ Anh Tuấn đánh giá đây là hoạt động thiết thực nhằm kết nối cộng đồng doanh nghiệp mà rất ít tổ chức xã hội làm được. Ông cũng bày tỏ sự nể phục cộng đồng doanh nghiệp hai Hiệp hội VACOD-HBA khi tạo dựng thành công một môi trường sinh hoạt, diễn đàn thiết thực, bổ ích, gắn kết khăng khít, mang lại hiệu quả cao cho các doanh nhân. Những hoạt động nhỏ nhưng ý nghĩa ấy sẽ đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của văn hóa cộng đồng các doanh nghiệp trong hai Hiệp hội.
KẾT NỐI TRI THỨC - KẾT NỐI DOANH NGHIỆP
Cũng trong khuôn khổ chương trình, PGS.TS Trương Ngọc Kiểm đã có đánh giá sơ bộ bước đầu về sự kết nối, giao lưu, hợp tác giữa các chuyên gia, giảng viên cao cấp của Đại học Quốc gia Hà Nội và VACOD – HBA nhằm mục đích tư vấn, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp hội viên.
PGS.TS Trương Ngọc Kiểm rất vui mừng sau 2 năm đồng hành đã nhìn thấy sự lớn mạnh từng ngày của hai hiệp hội VACOD-HBA. Ông Kiểm mong muốn, thời gian sắp tới, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ luôn có cơ hội được đồng hành và để lại dấu ấn mang bản sắc riêng trong sự thành công của hai Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên.
Cụ thể, vừa qua Đại học Quốc gia Hà Nội sau khi làm việc với Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư, đã được hỗ trợ một nguồn ngân sách tạo điều kiện để nhà trường thể hiện trách nhiệm với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trên cơ sở đó, nhà trường nỗ lực cùng VACOD-HBA thiết kế 2 chương trình đào tạo, bản chất sẽ là những cuộc giao lưu để chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận. Các chuyên gia của Đại học Quốc gia sẽ có thêm cơ hội hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyên sâu, lĩnh vực khoa học, công nghệ với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kỳ chuyển đổi số. Chương trình này sẽ cụ thể hoá tinh thần mà Hội nghị Trung ương 10 khoá 13 đã đề cập đến nội dung then chốt chính là phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Đại học Quốc gia Hà Nội rất cần sự hỗ trợ của VACOD-HBA giúp lựa chọn những nội dung, đề tài thiết thực với các doanh nghiệp. Qua chính những chương trình “Bữa sáng Doanh nhân”, cho thấy sự sát sao của hai hiệp hội với doanh nghiệp khi luôn đưa ra những chủ đề các doanh nghiệp quan tâm, gắn bó với cộng đồng doanh nhân và có ý nghĩa thiết thực với sự phát triển chung của doanh nghiệp. Thành công của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào hoạt động của doanh nghiệp vừa qua cho thấy VACOD-HBA luôn quan tâm đến nhu cầu của doanh nghiệp và nắm bắt xu hướng phát triển chung của xã hội”, ông Kiểm bày tỏ.
Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp đã kiến nghị với Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai các nội dung tọa đàm trong khuôn khổ chương trình “Bữa sáng doanh nhân”. “Với phương châm đã làm phải hiệu quả, trong sự kết hợp giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và VACOD-HBA để tổ chức các nội dung tọa đàm hiệu quả sát với nhu cầu của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ làm từng bước để chắc chắn, làm phải đạt hiệu quả cao với cộng đồng doanh nghiệp, có vậy mới tạo động lực tiếp tục triển khai, phát triển”, ông Kiểm khẳng định.
Sự kết hợp giữa môi trường học thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội và kinh nghiệm thực tế của VACOD-HBA hứa hẹn sẽ tạo ra những chương trình tọa đàm chất lượng cao. Trong tương lai, các bên sẽ cùng nhau nỗ lực nhằm mang đến những giá trị tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp.
Một số hình ảnh ghi nhận tại chương trình: