VACOD-HBA mở rộng “sân chơi” giao thương với hơn 600 doanh nghiệp Hàn Quốc

Hiệp hội Thúc đẩy Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc – KASMI vừa có cuộc làm việc với Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương giữa hai bên…

Quang cảnh buổi làm việc

Ngày 5/4, đoàn lãnh đạo và doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội KASMI đến từ Hàn Quốc đã có cuộc gặp làm việc với Chủ tịch VACOD-HBA - TS Nguyễn Hồng Sơn nhằm mục đích kết nối, khai thác cơ hội hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

CƠ HỘI HỢP TÁC VỚI CÁC DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN HÀN QUỐC

Tham gia buổi gặp gỡ làm việc, phía Việt Nam có Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn; PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Mai Xuân Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Phó Chủ tịch Thường trực VACOD Nguyễn Thị Thu Thủy; bà Phạm Thị Thu Hằng, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng thư ký VCCI và đại diện một số doanh nghiệp hội viên của VACOD-HBA.

Về phía Hàn Quốc có ông Ko Sang Kon, Phó Chủ tịch Hiệp hội KASMI, đại diện nhóm Xúc tiến kinh doanh toàn cầu của KASMI; ông Park Sung Joon, Giám đốc bộ phận kinh doanh Hội tụ kỹ thuật số nhóm Xúc tiến kinh doanh toàn cầu của KASMI và 2 đại diện doanh nghiệp hội viên hiệp hội.

Đoàn đại diện Hiệp hội KASMI

Mở đầu cuộc làm việc, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nồng nhiệt chào mừng đoàn Hiệp hội KASMI đã tới thăm Việt Nam và có sự kết nối với hai Hiệp hội VACOD-HBA. Chủ tịch Sơn giới thiệu ngắn gọn về hai hiệp hội, tập trung vào thông tin cốt lõi và các hoạt động trọng tâm hiện tại, nhằm giúp các đối tác Hàn Quốc nhanh chóng nắm bắt được bức tranh tổng quan về năng lực và mối quan tâm hợp tác của cả hai bên.

Chủ tịch Sơn nhấn mạnh, VACOD-HBA duy trì hoạt động gặp gỡ và trao đổi thường xuyên vào mỗi sáng thứ bảy hàng tuần. Tại chương trình hết sức hữu ích này, các đại diện cơ quan Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp hội viên có cơ hội cùng nhau dùng bữa sáng, đồng thời tham gia các buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ lẫn nhau. Trong thời gian tới, nếu có sự hợp tác với KASMI, trên cơ sở những hoạt động hiệu quả này VACOD-HBA sẽ hỗ trợ KASMI trong việc kết nối sắp tới.

Đại diện phía KASMI cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cùng các vị đại diện doanh nghiệp đã dành thời gian đón tiếp đoàn rất nhiệt tình. Giới thiệu sơ lược về KASMI, Phó Chủ tịch hiệp hội cho biết, họ là một tổ chức doanh nghiệp gồm hơn 600 doanh nghiệp thành viên. KASMI được thành lập nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách của doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua nghiên cứu, tư vấn về hoạt động, thúc đẩy, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã vừa và nhỏ dựa trên kinh nghiệm thực tế trong quản lý.

Đại diện lãnh đạo KASMI thông tin thêm, hiện nay môi trường lao động tại Hàn Quốc đang thay đổi nhanh chóng do các yếu tố xã hội và kinh tế như thay đổi cơ cấu dân số do tỷ lệ sinh thấp. Theo đó, Hiệp hội thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm cách giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua đổi mới nguồn nhân lực và đưa lao động có tay nghề nước ngoài vào ngành công nghiệp chính.

SẴN SÀNG HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ VÀ TIỀN MÃ HOÁ

Trình bày rõ hơn với Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn, ông Ko Sang Kon, Phó Chủ tịch Hiệp hội thông tin chi tiết về một số lĩnh vực muốn được VACOD-HBA hỗ trợ, kết nối khai tác cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam:

Thứ nhất, phía Hàn Quốc nêu rõ ưu tiên hàng đầu, mong muốn hợp tác trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, đặc biệt giới thiệu sản phẩm drone dùng trong quân sự. Điểm đáng chú ý là sản phẩm drone này đã được sản xuất tại Việt Nam, cụ thể ở Bắc Giang và đã xuất khẩu thành công sang Mỹ, minh chứng cho chất lượng và các tính năng ưu việt đã được kiểm định. KASMI bày tỏ mong muốn thông qua sự kết nối của Hiệp hội để giới thiệu sản phẩm này tới Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Thứ hai, đại diện KASMI rất quan tâm đến thông tin về việc Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị triển khai thí điểm thị trường tiền điện tử và bày tỏ mong muốn hai hiệp hội hỗ trợ kết nối cơ hội phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam. Họ cho biết đối tác của KASMI đang hợp tác chặt chẽ với hai sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu tại Hàn Quốc, có liên kết với ngân hàng quốc doanh. Vì vậy, KASMI bày tỏ kỳ vọng thông qua VACOD-HBA để tạo dựng cơ hội đầu tư vào thị trường tiền điện tử đầy tiềm năng của Việt Nam.

Nhấn mạnh thêm về lĩnh vực giao dịch tiền điện tử, đại diện KASMI khẳng định vấn đề bảo an và an toàn giao dịch là tối quan trọng. Họ tự tin vào kinh nghiệm dày dặn của các đối tác Hàn Quốc, đặc biệt là kinh nghiệm từ các sàn giao dịch điện tử hàng đầu tại Hàn Quốc trong việc đối phó với các tình huống khẩn cấp và nguy cơ bị tin tặc chiếm quyền kiểm soát. Chính vì vậy, phía đối tác Hàn Quốc bày tỏ sự tin tưởng lớn vào tiềm năng đầu tư vào thị trường tiền điện tử Việt Nam.

Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cùng đại diện hai hiệp hội VACOD-HBA và PGS.TS Vũ Văn Tích

Ban đầu, đại diện KASMI bày tỏ mong muốn thiết lập kết nối và hợp tác trong hai lĩnh vực công nghệ drone và tiền điện tử thông qua sự hỗ trợ của hai hiệp hội. Sau đó, họ cũng gợi mở rằng, trong quá trình hợp tác và triển khai các dự án ban đầu, các bên có thể dần mở rộng sang các lĩnh vực hoặc nội dung đầu tư tiềm năng khác.

Đối với đề xuất từ phía đối tác Hàn Quốc, đặc biệt là sản phẩm drone mà KASMI muốn giới thiệu đến Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cũng yêu cầu đơn vị cung cấp thêm thông tin cụ thể, chi tiết về loại sản phẩm (quân sự hay dân dụng).

Về lĩnh vực tiền mã hoá, ông Sơn xác nhận Việt Nam cũng đang khởi động và trong tương lai có thể triển khai một số loại tiền điện tử tương tự Hàn Quốc và các quốc gia khác. Cũng phải lưu ý thêm đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và có sự tham gia của một số ngân hàng. Chủ tịch Sơn đề nghị phía KASMI liên hệ với văn phòng Hiệp hội để được cung cấp đầu mối liên hệ cụ thể cho các vấn đề này.

Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cũng không quên gợi ý thêm một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng có thể kết nối với KASMI trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh sự quan tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt thông qua các chương trình hỗ trợ khoa học và công nghệ. Nhân cơ hội tiếp cận hiếm có này, ông mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc, đặc biệt về cách Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các chính sách cụ thể về phát triển khoa học công nghệ, nhằm mở ra cơ hội hợp tác trao đổi kinh nghiệm giữa hai nước.

Tiếp nhận ý kiến của lãnh đạo VACOD-HBA, đại diện KASMI khẳng định sẵn sàng cung cấp thông tin chi tiết và chính xác về sản phẩm drone, bao gồm cả hình ảnh về các hoạt động và sản phẩm đang được quân đội Hàn Quốc và Mỹ sử dụng.

Ngoài những lĩnh vực chính được đề cập từ đầu, đại diện KASMI giới thiệu tổ chức của họ là một hiệp hội trực thuộc chính phủ Hàn Quốc, quy tụ hơn 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng. Đối tác Hàn Quốc khẳng định sẽ nghiêm túc cân nhắc và trao đổi chi tiết về từng lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác phù hợp với phía hiệp hội Việt Nam. Họ mong muốn văn phòng hai hiệp hội cấp thông tin chi tiết để có thể tiến hành các bước hợp tác tiếp theo một cách hiệu quả.

Theo ông Ko Sang Kon, hiện nay, lĩnh vực khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI phục vụ trong y tế, quản lý tài chính, giao thông… đang được các doanh nghiệp Hàn Quốc đặc biệt quan tâm. Ngoài những chaebol (tập đoàn hàng đầu) của Hàn Quốc, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẵn sàng hợp tác với các đối tác Việt Nam.

"Theo đánh giá của chúng tôi, Việt Nam sở hữu đội ngũ kỹ sư trẻ, tài năng và am hiểu công nghệ. Đây là một lợi thế lớn. Phía Hàn Quốc cũng có nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực AI, công nghệ. Tôi tin rằng sự kết hợp này sẽ tạo ra cơ hội tuyệt vời cho hợp tác và phát triển chung”, đại diện lãnh đạo KASMI chia sẻ.

Với vai trò là người kết nối giữa VACOD-HBA và KASMI, PGS.TS Vũ Văn Tích cho rằng, về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực phát triển và đầu tư tiền mã hoá, nhờ sự tác động trực tiếp của hai hiệp hội có thể triển khai như một đề án thí điểm. Chính phủ Việt Nam cũng rất cởi mở, sẵn sàng xem xét các chương trình hợp tác cụ thể như một hình thức thí điểm đầu tư.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực khoa học công nghệ, PGS.TS Vũ Văn Tích thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các sản phẩm drone được KASMI giới thiệu. Ông nêu rõ hơn tiềm năng ứng dụng rộng rãi của những thiết bị không người lái không chỉ trong quân sự mà còn trong dân sự, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhất là xu hướng phát triển ngành “kinh tế tầm thấp”.

Ông Tích chỉ ra nhu cầu cấp thiết về ứng dụng drone trong logistics, giám sát giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường và lũ lụt. Đây được xác định là một công nghệ lõi mà Việt Nam đang ưu tiên phát triển, và Chính phủ, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, sẵn sàng đầu tư để các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác với đối tác Hàn Quốc cùng phát triển sản phẩm drone phục vụ mục đích dân sự. Đây được nhận định là một hướng đi đầy triển vọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan có thẩm quyền.

"Đến nay chúng tôi đã hình dung khá rõ nguyện vọng của các quý vị. Đề nghị phía KASMI gửi cho chúng tôi thông tin chi tiết về các yêu cầu và mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực đã đề cập. Chúng tôi sẽ tiến hành lựa chọn các đối tác phù hợp để có thể trao đổi trực tiếp và hợp tác hiệu quả theo nguyện vọng của quý vị", TS Nguyễn Hồng Sơn chốt lại buổi làm việc.

Có thể bạn quan tâm