Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam bùng nổ trong giai đoạn 2020-2021, tuy nhiên những rủi ro đầu tư đã bộc lộ qua một số sai phạm xảy ra đầu năm 2022. Điều này đã khiến nhà đầu tư suy giảm niềm tin vào kênh dẫn vốn quan trọng này.
Tổng giá trị phát hành giảm 64%
Riêng quý 4 năm 2022 thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành chỉ đạt 3.619 tỷ đồng, giảm 94,5% so với quý trước và 98,8% so với cùng kỳ. Trong đó, hầu hết là trái phiếu phát hành riêng lẻ và không có đợt phát hành trái phiếu công chúng nào.
Theo nhóm phân tích chứng khoán VNDirect, giá trị phát hành trái phiếu giảm mạnh trong quý 4 năm 2022 đến từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành vào 16/09/2022 đã thắt chặt những quy định về cả phía cung và phía cầu đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ hai là niềm tin của nhà đầu tư đã giảm đi sau khi cơ quan quản lý nhà nước chỉ ra một loạt các sai phạm của doanh nghiệp phát hành.
Trong quý 4 năm 2022, Tập đoàn đa ngành trở thành nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 47% tổng giá trị phát hành, tương đương 1.700 tỷ đồng, toàn bộ đều thuộc về Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan.
Nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng 17,4% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương 630 tỷ đồng. Chỉ có 3 doanh nghiệp bất động sản thực hiện phát hành, bao gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (500 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư Đức Trung (100 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (30 tỷ đồng).
Lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản trong quý 4 năm 2022 có xu hướng tăng so với quý trước, lên mức trung bình 12%/năm.
Với nhóm ngành tài chính ngân hàng, chỉ có ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam phát hành 285 tỷ đồng, chiếm 7,9% tổng giá trị phát hành trong quý 4 năm 2022. Lãi suất phát hành của ngân hàng này đạt 8,7%/năm (+2,7 điểm % so với lãi suất trung bình các ngân hàng quý trước).
Các nhóm ngành khác chiếm 27,8% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 1.005 tỷ đồng (giảm 70,2% so với quý trước). Đáng chú ý có Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư và Phát triển Năng lượng Thành Nguyên phát hành 500 tỷ đồng với lãi suất 13%/năm trong 5 năm và Công ty Cổ phần Dược phẩm Tenamyd phát hành 150 tỷ đồng với lãi suất 14%/năm trong 3,5 năm.
Nhìn chung lại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng trong năm 2022 với tổng giá trị phát hành giảm 64%, chỉ đạt 269.733 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm 97%, đạt 261.934 tỷ đồng, phát hành ra công chúng đạt 7.799 tỷ đồng.
Cụ thể, tài chính ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 56% tổng giá năm 2022 đạt 151.141 tỷ đồng giảm 45% so với cùng kỳ. Nhóm bất động sản ghi nhận mức sụt giảm 79%, chỉ đạt 62.310 tỷ đồng, chiếm 23% tổng giá trị phát hành. Nhóm Tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành khác chiếm lần lượt 6,5% và 14,3% tổng giá trị phát hành.
Trong năm 2022, trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi tăng mạnh từ giữa năm, lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng ở nhóm ngành tài chính- ngân hàng, bao gồm chủ yếu là các ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán.
Bài toán đáo hạn vẫn “nóng”
Theo nhóm phân tích chứng khoán VNDirect, áp lực trái phiếu đáo hạn dự báo sẽ hạ nhiệt trong quý 1 năm 2023 nhưng sẽ tăng mạnh trở lại trong quý 2 và quý 3.
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý 1/2023 ước tính giảm 41,3% so với quý 4 năm 2022. Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý 2 và quý 3 năm 2023 với giá trị lần lượt đạt 76.572 tỷ đồng (+145,1% so với quý trước, +120,4% so với cùng kỳ) và 83.127 tỷ đồng (+8.6% sv quý trước, +38,8% so với cùng kỳ).
Sau giai đoạn thách thức này, giá trị đáo hạn trong quý 4 năm 2023 sẽ hạ nhiệt 26,7% so quý trước về mức 60.908 tỷ đồng (+14,5% so với cùng kỳ).
Trong năm 2023, chứng khoán VNDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 251.849 tỷ đồng (+64,4% so với cùng kỳ).
Cụ thể, bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 42,8% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương 107.752 tỷ đồng (+76,2% so với cùng kỳ). Tài chính – Ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 30,8% tổng giá trị đáo hạn trong 2023, tương đương 77.650 tỷ đồng (+24,0% so với cùng kỳ).
Các ngành khác chiếm 26,4% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong 2023, đạt 66.446 tỷ đồng (+126,1% so với cùng kỳ).
Chứng khoán VNDirect cho rằng, những lo ngại về năng lực thanh toán ngày càng tăng khi một số vụ bắt giữ liên quan đến vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng vốn không đúng mục đích của một số nhà phát triển bất động sản lớn như Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.
Điều đó khiến niềm tin của nhà đầu tư cá nhân vào trái phiếu doanh nghiệp đã suy giảm xuống mức rất thấp, thể hiện thông qua việc nhiều nhà đầu tư đã vội vàng bán trái phiếu của bất kỳ tổ chức phát hành nào bằng mọi giá để thu tiền về tiền mặt. Lưu ý rằng nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 1/3 khối lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu, hiện một số trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch với mức 4-5% thấp hơn mệnh giá, với mức lợi suất khoảng 10% - 12%/năm, có nghĩa là người bán sẵn sàng chấp nhận với mức chiết khấu 14% - 17%.