Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) đã có văn bản xin lùi thời gian trả nợ trái phiếu hơn 181 tỷ đồng. Lô trái phiếu được phát hành ngày 30/12/2017 và đáo hạn vào ngày 30/12/2022, có kỳ hạn 5 năm, gồm 134 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng. Tổng huy động 134 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, kỳ hạn thanh toán lãi 6 tháng/lần.
DLG cần thanh toán tiền gốc hơn 117 tỷ đồng, lãi hơn 64 tỷ đồng, tổng cộng hơn 181 tỷ đồng.
Lãnh đạo Đức Long Gia Lai đã giải trình nguyên nhân khiến công ty chậm thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư: “Do ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt... dẫn đến dòng tiền còn hạn chế, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán cho trái chủ".
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex (mã chứng khoán: AGM) đã tổ chức Hội nghị Chủ sở hữu trái phiếu tại tỉnh An Giang để xin ý kiến trái chủ về kế hoạch xử lý hai gói trái phiếu với hai mã AGMH2123001 và AGMH2223001.
Lô trái phiếu AGMH2123001 được phát hành vào ngày 9/11/2021 với tổng giá trị là 350 tỷ đồng và lô trái phiếu AGMH2223001 được phát hành vào ngày 14/3/2022 với tổng giá trị 300 tỷ đồng.
"Tình trạng hiện nay đang bị quá hạn thanh toán, nguyên nhân là do các sự kiện bất khả kháng về nhân sự xảy ra trong thời gian qua; bên cạnh đó, chính sách tiền tệ bị thắt chặt trên thị trường tài chính hiện nay cũng mang lại nhiều khó khăn cho Angimex nói riêng và các công ty khác trên thị trường nói chung", đại diện AGM cho hay.
Trước đó, hồi cuối năm 2022, Angimex tuyên bố mất khả năng thanh toán lãi hai lô trái phiếu trên với lãi suất 7%/năm.
Ở diễn biến khác, ngày 7/2, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2 (mã chứng khoán: VC2) công bố nghị quyết lùi thời gian đáo hạn lô trái phiếu 118,7 tỷ đồng đã đến hạn thanh toán vào ngày 27/10/2022 lại một năm, dự kiến thanh toán vào 27/10. Ngoài nợ gốc, doanh nghiệp cam kết chi trả phần lãi phát sinh, được tính bằng 150% lãi suất công bố (11,5%/năm).
Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), đến ngày 31/1/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào trong năm 2023. Trong khi đó, thông báo về việc khất nợ với nhà đầu tư liên tục được các doanh nghiệp gửi tới nhà đầu tư.
Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã đưa ra một số thay đổi quan trọng, được kỳ vọng sẽ mở đường tháo gỡ phần nào nút thắt về trái phiếu khiến các doanh nghiệp bế tắc trong suốt thời gian qua.
Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện quy định mới về nhà đầu tư chuyên nghiệp, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm và phân phối trái phiếu trong vòng một năm, tức vẫn thực hiện theo quy định hiện hành cho đến 1/1/2024.
Tại dự thảo này, Bộ Tài chính cũng đề xuất cho phép các trái phiếu phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn với thời gian tối đa là 2 năm. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác.