Trong đó, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng là 4,15% với 23 đợt phát hành, giá trị 10.599 tỷ đồng, xấp xỉ tỷ lệ cùng kỳ là 4,58%. Số đợt phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước là 454 đợt với giá trị xấp xỉ 244.565 tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành.
VBMA cho biết, giá trị phát hành năm 2022 đều giảm ở hầu hết các ngành so với năm 2021, trừ ngành nông nghiệp với mức tăng 4,3%. Giá trị phát hành trái phiếu của ngành bất động sản giảm 80,8% do các yếu tố vĩ mô bất lợi. Riêng trong quý 4, mức giảm này đạt 99,7% so với cùng kỳ.
Ngành ngân hàng cũng chứng kiến mức giảm 42%. Tuy nhiên, đây vẫn là ngành có giá trị phát hành lớn nhất và chiếm 54% tổng giá trị phát hành.
Trong năm 2022, VBMA cho biết, có 78 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp lần đầu, chỉ bằng 1/3 so với năm 2021 (243 doanh nghiệp). Tổng giá trị phát hành của các doanh nghiệp mới chiếm 20%, trong đó hơn 50% là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản và xây dựng, thấp hơn mức 60% của năm 2021.
Lãi suất bình quân của trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022 là 8,05%/năm, kỳ hạn phát hành bình quân là 4,12 năm, trong đó, 69% trái phiếu có kỳ hạn gốc 1 - 3 năm.
Đặc biệt, trong năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn lượng trái phiếu trị giá 210.830 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng cao nhất với 91.799 tỷ đồng, tương đương 43,5% tổng giá trị mua lại. Đứng thứ hai là ngành bất động sản với 35.439 tỷ đồng, tương đương 16,8%. Hầu hết các trái phiếu mua lại sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024.
Riêng trong tháng 12/2022, lượng mua lại đạt giá trị cao nhất là 39.798 tỷ đồng.
Dù vậy, VBMA nhận định, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong hai năm tới vẫn đáng kể với khoảng 650.319 tỷ đồng. Cụ thể, trong năm 2023 là 289.819 tỷ đồng và trong năm 2024 là 360.500 tỷ đồng.
Ngoài trái phiếu trong nước, VBMA cho biết cũng có 2 đợt phát hành trái phiếu quốc tế, với giá trị phát hành là 625 tỷ USD của Vingroup.
VBMA cho biết, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vào khoảng 14,81% GDP, còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Malaysia (54,3% GDP), Singapore (34,3% GDP), Thái Lan (25,5% GDP). Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm 12% tổng dư nợ của cả nền kinh tế, tăng khoảng 11,3% so với thời điểm cuối năm 2021.