Vé máy bay sắp "cạn", hành trình về quê ăn Tết của người dân thêm áp lực

Thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Và cứ mỗi dịp Tết về, câu chuyện vé phương tiện về quê lại nổi lên. Càng sát Tết, giá vé máy bay tăng cao và nhiều chặng bay “cháy” vé rất nhanh đã khiến cho hành trình về quê của người dân thêm phần áp lực...

may-bay-1840.jpg
Còn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng nhiều chặng bay đã sắp hết vé

Cứ mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, câu chuyện vé Tết về quê lại được rất nhiều người dân trong nước quan tâm. Theo thông tin mới nhất của các hãng hàng không Việt Nam, nhiều chặng bay nội địa dịp Tết đã có tỷ lệ đặt chỗ lên tới hơn 90%. Cùng với đó, giá vé máy bay hiện tại cũng khá đắt đỏ nên người dân có thể cân nhắc lựa chọn chuyển sang đi tàu hỏa hoặc xe giường nằm để tiết kiệm chi phí.

CANH VÉ MÁY BAY TẾT HƠN CẢ CANH GIÁ CỔ PHIẾU

Chia sẻ với phóng viên của Tạp chí Thương gia, chị Mai Anh (23 tuổi, quê Lâm Đồng) hiện là sinh viên tại Hà Nội cho biết: “Thường thì mình sẽ phải đặt vé máy bay sớm trước từ 1 – 2 tháng để có vé rẻ. Tuy nhiên, vào những dịp lễ, đặc biệt là Tết, vé sẽ lên xuống thất thường, còn hơn cả canh giá cổ phiếu. Vé dịp Tết năm nay có sự tăng giá hẳn so với các năm khác. May mắn là mình đã đặt mua vé từ 1 tháng trước nên năm nay vẫn có thể ăn Tết ở quê”.

Theo chị, do quê xa nên đi máy bay sẽ thuận tiện hơn. Tuy vẫn có tuyến xe Nam - Bắc để về đến quê nhưng chị cảm thấy đi xe khách thì rất lâu và mệt người, thêm cả xe cũng đông.

“Vé máy bay thì khó mà hết được. Chỉ có vé đắt quá, không phù hợp với kinh phí của mình thôi. Nên nếu không mua được vé máy bay, chắc mình sẽ chấp nhận về ăn Tết muộn hơn với mọi người. Chứ đi tàu hoặc xe khách thì tình trạng sức khoẻ của mình không cho phép”, chị Mai Anh chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như chị Mai Anh khi có thể mua được vé máy bay Tết sớm, rất nhiều người vẫn đang đau đầu với tấm vé máy bay dịp Tết. Lịch nghỉ Tết tại các cơ quan thường không thông báo sớm hẳn trước 1 - 2 tháng nên người lao động phải chờ khi có lịch nghỉ mới có thể đặt vé phương tiện về quê.

Bên cạnh đó, thời gian nghỉ Tết của người lao động thường chỉ có 6 - 7 ngày. Cả năm đi làm quần quật đến Tết mới được về quê, tâm lý ai cũng muốn dành nhiều thời gian ở quê đoàn tụ cùng gia đình nên máy bay là sự lựa chọn hợp lý giúp người lao động có thể tiết kiệm thời gian di chuyển.

Với tình hình hiện nay, nhiều chuyến bay thậm chí chỉ còn hạng ghế thương gia với giá đắt đỏ. Muốn có vé, nhiều người phải chọn hạng thương gia với giá cao gấp 3 - 4 lần so với giá hạng phổ thông hoặc chấp nhận bay nhiều chặng.

“CHÁY” VÉ MÁY BAY DỊP TẾT

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong dịp cao điểm Tết Giáp Thìn 2024, tổng số chuyến bay do các hãng hàng không khai thác dự kiến đạt xấp xỉ 33.800 chuyến (tăng 14% so với cùng kỳ Tết 2023, tăng 21% so với lịch bay thường lệ hiện tại).

Trong đó, dự kiến có 24.200 chuyến bay nội địa và 9.600 chuyến bay quốc tế. Với số chuyến bay như trên, tổng số ghế cung ứng dịp cao điểm Tết Giáp Thìn 2024 dự kiến đạt 7,2 triệu ghế, tăng 16% so với cùng kỳ Tết năm 2023.

Theo tính toán của Cục Hàng không, 3 đường bay có ghế cung ứng lớn nhất lần lượt là TP.HCM - Hà Nội gần 1,3 triệu ghế (chiếm 25,2% tổng số ghế trên tất cả các đường bay), đường bay TP.HCM - Đà Nẵng đạt gần 0,4 triệu ghế (9% tổng số ghế), đường bay TP.HCM - Vinh đạt gần 0,3 triệu ghế (chiếm 6% tổng số ghế).

ve-may-bay-5071.jpg
Nhiều chặng bay Tết có tỷ lệ đặt chỗ trên 90%

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính tới ngày 12/1, chiều bay từ TP.HCM đi các địa phương giai đoạn trước Tết từ 1/2 - 11/2, nhiều đường bay có tỷ lệ bán vé rất cao, gần như hết vé như TP.HCM - Chu Lai đã bán hơn 99,7% số vé được các hãng cung ứng, TP.HCM - Thanh Hóa bán 99,6%, TP.HCM - Quảng Ninh (99%), TP.HCM - Vinh (98,8%), TP.HCM - Hải Phòng (95%), TP.HCM - Huế (92%), TP.HCM - Pleiku (91%), TP.HCM - Đà Nẵng (91%), TP.HCM - Buôn Ma Thuột (90%), TP.HCM - Tuy Hòa (88%), TP.HCM - Quảng Bình (86%), TP.HCM - Quy Nhơn (84%), TP.HCM - Điện Biên (80%).

Đường bay từ Hà Nội đến một số tỉnh, thành cũng đang có tỷ lệ đặt chỗ gần như kín. Trong đó, Hà Nội - Điện Biên (94,44%), Hà Nội - Pleiku (88,74%), Hà Nội - Vinh (100%) không còn chỗ.

Tại chiều về, từ các sân bay địa phương về TP.HCM, các chặng đang có tỷ lệ đặt chỗ tăng dần và cao, rơi vào các ngày sau Tết Nguyên đán từ 13/2 - 19/2 như các chặng từ Buôn Mê Thuột – TP.HCM (88,86%), Cà Mau – TP.HCM (100%), Đà Nẵng – TP.HCM (96,95%), Hải Phòng – TP.HCM (99,54%), Huế – TP.HCM (94,68%), Phú Quốc – TP.HCM (91,71%), Pleiku – TP.HCM (95,69%)...

Với một số đường bay từ các địa phương đến Hà Nội, vé máy bay cũng đang rất căng thẳng như Nha Trang - Hà Nội (99,51%), Điện Biên - Hà Nội (99,51%), Phú Quốc - Hà Nội (100,08%), Pleiku - Hà Nội (101,67%), Vinh - Hà Nội (86,41%)…

Riêng đường bay Hà Nội - Đà Nẵng – TP.HCM, tỷ lệ đặt vé cũng bắt đầu tăng nhưng mới đạt khoảng 45% tổng vé các hãng cung ứng. Đây cũng là những đường bay có số chuyến bay "cháy" vé cao, những đường bay này đều được các hãng tập trung khai thác nhiều chuyến bay nên lượng vé vẫn dồi dào.

Đặc biệt, tính từ ngày 1/2 - 18/2, toàn mạng bay nội địa có 11.396 chuyến bay đã “cháy” vé. Đường bay có số chuyến “cháy” vé nhiều nhất là Hà Nội – TP.HCM và ngược lại với gần 2.300 chuyến đã hết vé, tiếp đến với đường bay TP.HCM - Đà Nẵng và ngược lại (1.094 chuyến), TP.HCM - Vinh và ngược lại (776 chuyến)…

Về giá vé, trên các trang web bán vé trực tuyến, giá vé máy bay khứ hồi Tết Nguyên đán 2024 trên một số chặng bay được bán với mức 4,5 - 10 triệu đồng/vé tùy hãng, thời điểm bay và ngày bay (đã gồm thuế, phí).

Theo Bộ Giao thông vận tải, giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) hiện nay đều được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá từ thấp đến cao tùy tình hình thị trường (cung - cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé, chất lượng dịch vụ…

Bộ cho biết, với những giai đoạn cao điểm (cầu tăng quá lớn so với cung), các hãng hàng không đều tăng tỷ lệ bán vé ở giá cao. Ngược lại, ở những giai đoạn thấp điểm hoặc các chuyến bay lệch đầu dịp lễ Tết, nhu cầu tham gia vận chuyển của hành khách thấp (cầu sụt giảm mạnh so với cung) thì các hãng hàng không đều hạ thấp giá vé.

Trước tình trạng sắp “cạn” vé, một số hãng hàng không đã ký hợp đồng thuê thêm máy bay để phục vụ nhu cầu đi lại dịp Tết của người dân. Theo đó, Bamboo Airways vừa tiếp nhận thêm 1 máy bay Airbus A320 vào đội máy của hãng. Đây là 1 trong 2 máy bay mà Bamboo Airways đã lên kế hoạch bổ sung vào đội tàu bay khai thác trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Tương tự, Vietjet vừa tiếp nhận 4 máy bay tăng cường vào đội tàu 107 chiếc của hãng nhằm mang thêm nhiều cơ hội bay với chi phí hợp lý cho khách hàng, sẵn sàng phục vụ nhu cầu di chuyển trong mùa cao điểm của khách hàng trong dịp Tết và lễ hội Xuân 2024.

Vietnam Airlines cũng có kế hoạch thuê 4 máy bay, tăng thêm hơn 100.000 chỗ, tương đương gần 550 chuyến bay. Tổng cộng đạt 2,1 triệu chỗ với 10.700 chuyến bay cho mùa cao điểm Tết.

ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG BỘ "CHIA LỬA" CÙNG HÀNG KHÔNG

Trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, ngành đường sắt, đường bộ tiếp tục "chia lửa" và là sự lựa chọn cho người dân, đáp ứng nhu cầu đi lại trong cao điểm Tết sắp tới.

Theo đại diện Vietravel Airlines, năm 2023 là năm đầy biến động với nền kinh tế, khiến người lao động phải thắt chặt chi tiêu dịp cuối năm nên vé Tết sẽ không chỉ có sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không. Đây còn là sự cạnh tranh giữa thị trường hàng không với thị trường đường bộ và đường sắt.

Đối với nhu cầu di chuyển trong dịp Tết, phương tiện máy bay luôn được lựa chọn nhiều hơn các loại khác. Song, với giá vé khá cao như hiện tại, nhiều khách hàng đang cân nhắc lựa chọn chuyển sang đi tàu hỏa hoặc xe khách, xe giường nằm để tiết kiệm chi phí.

Đồng quan điểm, theo chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống, nếu giá vé máy bay nội địa quá cao, nhiều người chuyển sang lựa chọn các phương tiện đi lại khác hoặc thay đổi kế hoạch đi lại dịp Tết cho phù hợp với điều kiện kinh tế.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán, vận tải đường bộ bằng xe tuyến, xe khách cố định cũng dự kiến sẽ đón lượng khách tăng cao so với trong năm. Để chuẩn bị phục vụ hành khách dịp cao điểm, các nhà xe đã chuẩn bị kế hoạch, phương án chủ động phục vụ khách.

xe-khach-8567.jpg
Phần lớn các nhà xe không tăng giá dịp Tết

Đại diện Bến xe Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, dự kiến lượt khách bình quân dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng khoảng 200% so với ngày thường và vào những ngày cao điểm có thể tăng nhiều hơn chủ yếu ở các tuyến Hà Nội- Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng…

Về giá vé, theo đại diện Bến xe Mỹ Đình, hiện chưa có nhà xe nào đăng ký tăng giá xe dịp Tết Nguyên đán. Bởi để áp dụng mức giá vé mới, đơn vị vận tải phải thực hiện nhiều thủ tục với cơ quan thuế và các đơn vị liên quan, sau đó mới đăng ký công khai mức giá vé mới tại bến xe. Tại miền Bắc, rất ít đơn vị vận tải tăng giá vé vào các dịp lễ.

Tương tự, tại Bến xe Nước Ngầm, đại diện Bến xe này cũng thông tin chưa ghi nhận doanh nghiệp vận tải nào đăng ký tăng giá vé xe dịp Tết Nguyên đán 2024. Bên cạnh đó, bến xe Nước Ngầm cũng đã có kế hoạch tăng gần 100 xe cho các tuyến tăng cao điểm, sẵn sàng phục vụ hành khách dịp Tết.

Tại phía Nam, ông Trần Văn Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bến xe Miền Tây cho biết, giá vé dịp Tết Nguyên đán có tăng nhẹ nhưng mức tăng không quá 40% so với ngày thường. Giai đoạn cao điểm dự kiến trong 6 ngày gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết.

Đối với tàu hỏa, theo Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, sau hơn 2 tháng mở bán vé tàu Tết tuyến Bắc - Nam, tổng số vé đã bán trên 152.000 vé. Các tàu chạy vào các ngày, giờ cao điểm hầu như đã kín chỗ. Do vậy, ngành đường sắt mới đây đã thông báo tiếp tục lập thêm 8 chuyến tàu tuyến Bắc - Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về quê đón Tết Giáp Thìn 2024.

Tại Đà Nẵng, ông Đoàn Kim Tuấn, Đội trưởng Đội khách vận, Chi nhánh vận tải đường sắt Đà Nẵng cho hay, tuy giá vé tàu chỉ tăng 1 - 4% tùy chặng và tùy loại tàu cho chiều cao điểm, riêng chiều thấp điểm thì giá vé tàu giảm từ 1 - 8% nhưng năm nay do Tết đến muộn nên nhu cầu đặt, mua vé tàu chưa nhiều.

tau-3813.jpg
Ngành đường sắt có nhiều chính sách ưu đãi dịp Tết

Ngoài ra, ngành đường sắt vẫn đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ hành khách đi tàu như giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội, công đoàn, hành khách có thẻ khách hàng; giảm 3% giá vé cho các đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 8/2/2024 (tức ngày 29/12 âm lịch) và đi từ 1.000 km trở lên; giảm 5% giá vé lượt về cho hành khách mua vé khứ hồi; sinh viên được giảm từ 10 - 20% giá vé tùy theo ngày đi tàu.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm