VEC từng “xin thầu” cho sân sau của “Út trọc” Đinh Ngọc Hệ?

Đa phần dự án của Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đều được chỉ định thầu, không những thế, VEC còn nhiệt tình “xin thầu” cho Công ty sân sau “Út trọc” tức Đinh Ngọc Hệ, thự

Trạm thu phí Đại Xuyên trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Là dự án của VEC sẽ được chỉ định thầu?

Đa phần các dự án của Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đều được triển khai theo hình thức chỉ định thầu. Cụ thể, tại 8 trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đều được Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chỉ định thầu. Đặc biệt, trong nhiều dự án, có thể nhận thấy mối quan hệ khăng khít VEC với những công ty được cho là sân sau của ông trùm “Út trọc” Đinh Ngọc Hệ.

Mối quan hệ đặc biệt thân thể hiện thông qua việc, cuối năm 2012, VEC bất ngờ có công văn xin chủ trương ký hợp đồng về dịch vụ thu phí Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho công ty Yên Khánh.

Cụ thể, ngày 19/10/2012, VEC có văn bản gửi Bộ GTVT do ông Mai Tuấn Anh, hiện là Chủ tịch HĐTV VEC (khi đó là Tổng giám đốc VEC) ký, xin chủ trương ký hợp đồng về dịch vụ thu phí Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (Công ty Yên Khánh).

Tại văn bản, VEC đã làm việc và xem xét đề xuất của Công ty Yên Khánh, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT về việc quản lý thu phí nhằm giảm chi phí gián tiếp, nâng cao hiệu quả đầu tư và đề xuất của Công ty Yên Khánh.

Văn bản của VEC "xin thầu" cho sân sau “Út trọc”

Cụ thể, Công ty Yên Khánh đề xuất sẽ tiếp nhận và thực hiện công tác tổ chức, quản lý thu phí tại 4 Trạm dịch vụ là: Đại Xuyên, Vực Vòng, Liêm Tuyền, Cao Bồ (bao gồm cả công tác hậu kiểm). Nhân sự thực hiện gồm 231 người. Chi phí thực hiện theo đề xuất của Công ty Yên Khánh là hơn 21 tỷ đồng và thực hiện trong 1 năm. Văn bản nêu rõ.

Từ đó, văn bản của VEC do ông Mai Tuấn Anh ký đề xuất, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho phép VEC ký hợp đồng với Công ty Yên Khánh thực hiện dịch vụ thu phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong 1 năm”.

Đáng chú ý, Công ty Yên Khánh là đối tác thực hiện với Công ty Thái Sơn của Đinh Ngọc Hệ rất nhiều dự án BT, BOT.

Trái đắng mang tên “Út trọc”

Ngoài việc “xin thầu” tại dự án thu phí Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, VEC từng chỉ định thầu cho đích danh Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (sân sau của Đinh Ngọc Hệ - tức "Út trọc") thực hiện dự án trạm dừng nghỉ tại dựa án cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.

Được sự ưu ái đặc biệt của VEC, Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn trúng thầu dự án cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, trạm dừng nghỉ Km41+100, với giá trị trúng thầu là 225 tỷ đồng. Đáng chú ý, người ký văn bản chỉ định thầu cho Công ty Thái Sơn vẫn là ông Mai Tuấn Anh, khi đó là Tổng Giám đốc VEC, hiện nay là Chủ tịch HĐTV.

Tuy nhiên, dự án trên đã bị Bộ GTVT chỉ ra hàng loạt bất cập, tình trạng nhà đầu tư được ưu ái đến mức “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, trong văn bản số 1603/VEC-KVS về việc xã hội hóa các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc, dự án do VEC làm chủ đầu tư do Kiểm soát viên VEC Trương Việt Đông gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Cụ thể, văn bản nêu lên hiện tượng, nhà đầu tư tự lập phương án thiết kế, dự toán, tính toán phương án tài chính của dự án trình VEC xem xét, đàm phán ký hợp đồng. Việc lựa chọn nhà thầu như vậy là ngược trình tự đầu tư xây dựng cơ bản. Văn bản nêu rõ.

Dự án BOT Việt Trì có sự góp mặt của cả Công ty Thái Sơn và Công ty Yên Khánh

Ngoài ra, tổng mức đầu tư cho các công việc cần xã hội hóa tại các trạm dừng nghỉ không được VEC phê duyệt để quản lý chi phí. Không có kế hoạch đấu thầu, dự toán giá gói thầu, hồ sơ yêu cầu và chấm thầu”.

Không những thế, các thủ tục còn được thực hiện theo dạng “đi đêm” như: “Không tổ chức công khai kêu gọi nhà đầu tư tham gia hợp tác đầu tư trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc (ví dụ đăng báo mời nhà đầu tư). Không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật đấu thầu”, văn bản nêu rõ.

Thậm chí, VEC không quản lý được chi phí đầu vào, không thẩm định lại thiết kế, dự toán, không có quy định chặt chẽ, đầy đủ về việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán phần chi phí đầu tư thực hiện này để làm cơ sở tính toán lại phương án tài chính, thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư vào lợi nhuận của VEC.

Đến ngày 8/5/2018, các hạng mục của trạm dừng nghỉ này không đạt cam kết đúng tiến độ buộc VEC phải có văn bản số 1228/VEC- QLKT thông báo: chấm dứt hợp đồng với Công ty Thái Sơn tại trạm dừng nghỉ tại Km 41+ 100 cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành- Dầu Giây.

Liệu rằng, có phải những mối quan hệ thân hữu kiểu như trên là một phần nguyên nhân dẫn đến chất lượng kém, vừa đi vào sử dụng đã hư hỏng nghiêm trọng tại rất nhiều dự án giao thông thời gian qua.

Công ty Thái Sơn của Đinh Ngọc Hệ (Út ‘trọc’) với Công ty Yên Khánh có mối quan hệ hợp tác rất nhiều ở các dự án BT và BOT. Ở nhiều dự án, Thái Sơn làm chủ đầu tư thì Yên Khánh là nhà thầu thi công và ngược lại.

Cụ thể, một vài dự án như Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL20, đoạn Km 123 + 105 – Km 268 thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng, được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Chủ đầu tư dự án là liên danh: Tổng công ty 319 – Bộ Quốc phòng, Công ty Thái Sơn và Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Cầu Việt Trì mới (hay còn gọi cầu Hạc Trì) do Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1)- Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh - Công ty Thái Sơn làm chủ đầu tư. Trong đó, Cienco1 20% (53 tỷ đồng), Yên Khánh 40% (106 tỷ đồng) và Thái Sơn 40% (106 tỷ đồng). Ngoài ra còn một số dự án khác.

Có thể bạn quan tâm