“Vén màn bí ẩn” chuyện làm ăn ở JVC

Sau nhiều lần “câu giờ”, ngày 8/8 công ty CP Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã: JVC) mới công bố báo cáo tài chính năm 2015 đã được kiểm toán. Thật bất ngờ là số lỗ ròng sau kiểm toán tăng gấp đôi từ 620 tỷ
“Vén màn bí ẩn” chuyện làm ăn ở JVC

Số lỗ ròng sau kiểm toán của JVC tăng gấp đôi từ 620 tỷ đồng (báo cáo tự lập) lên gần 1.336 tỷ đồng.

Hàng loạt sai phạm về sử dụng vốn từ phát hành, giao dịch “sân sau” cũng bị phanh phui… Biến cố lao lý của ông Lê Văn Hướng, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của JVC đã đẩy hoạt động công ty vào tình cảnh khó khăn, đối tác rút lui, ngân hàng quay lưng “cắt” vốn… Giá cổ phiếu JVC đã lao dốc “không phanh” giảm tới 70% thị giá. Điều khiến nhà đầu tư, cổ đông bức xúc, mất niềm tin là JVC đã nhiều lần quá hạn, chậm trễ công bố thông tin các báo cáo tài chính năm 2015 và nửa đầu năm 2016.

Lỗ luỹ kế 1.336 tỷ đồng

Ngày 8/8, JVC mới công bố BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2015 (do KPMG kiểm toán) khiến cổ đông bị sốc vì số lỗ tới gần 1.336 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với số lỗ 620 tỷ đồng mà công ty tự lập báo cáo trước đó. Hoạt động kinh doanh của JVC đã bị xáo trộn sau khi ông Lê Văn Hướng bị khởi tố, bắt giam, nhưng sau đó, cổ đông Nhật Bản đã cử đại diện tham gia điều hành công ty.

Người mới nắm quyền điều hành ở JVC  là ông Lê Văn Giáp - vốn là trợ lý thân thiết của ông Hướng, được giao đảm nhận vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. Trong các lần xuất hiện đối thoại với cổ đông, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về năng lực, trình độ điều hành của ông Giáp. Còn vai trò điều hành có sức nặng hơn dường như nằm trong nhóm của bà Hồ Bích Ngọc, Kế toán trưởng công ty. “Con thuyền” JVC dưới sự chèo lái của Ban điều hành mới suốt 1 năm hoạt động khó khăn, nhiều chỉ tiêu chính bị sụt giảm đáng ngại.

Theo báo cáo đã kiểm toán, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của JVC tăng nhẹ lên gần 504 tỷ đồng so với 423 tỷ đồng ghi nhận ở báo cáo tự lập. Nhưng giá vốn hàng bán tăng đột biến khiến lãi gộp chỉ còn vỏn vẹn… 3.4 tỷ đồng, chỉ bằng 1% lãi gộp năm 2014 (đạt hơn 347 tỷ đồng). Cách đây chưa lâu, JVC công bố báo cáo cho biết lãi gộp cả năm 2015 đạt gần 114 tỷ đồng.

Sau kiểm toán, hàng loạt số liệu chi phí cũng biến động, cụ thể, chi phí tài chính của JVC tăng lên gần 134 tỷ đồng, gấp 6 lần so với trước kiểm toán. Lý do phải ghi nhận chi phí dự phòng cho đầu tư tài chính dài hạn tới 110.75 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gấp 2 lần trước kiểm toán, lên hơn 1.159 tỷ đồng do dự phòng phải thu khó đòi tăng mạnh. Trong đó, phải trích dự phòng gần 594 tỷ đồng cho “các khoản phải thu các công ty liên quan đến các thành viên tiền nhiệm của Ban Giám đốc hoặc các thành viên mật thiết trong gia đình họ”. Còn chi phí lãi vay điều chỉnh giảm chỉ còn gần 16,5 tỷ đồng…

Kết quả, JVC ghi nhận cả năm 2015 lỗ ròng gần 1.336 tỷ đồng, gấp 2 lần so với số lỗ mà công ty tự lập. Tính bình quân mỗi cổ phiếu JVC đang gánh lỗ tới 11.874 đồng/CP. Đến 30/3/2016, lỗ lũy kế là hơn 990 tỷ đồng, khiến cho vốn chủ sở hữu bị “ăn mòn” chỉ còn hơn 556 tỷ đồng.

Dùng tiền bán cổ phiếu trả nợ thuế

Từ lâu, JVC được biết đến là doanh nghiệp hoạt động quản lý theo mô hình “gia đình trị”, mà nhiều cổ đông nghi ngại tính minh bạch, thao túng hoạt động công ty. Thực tế, khi tiếp quản vị trí chủ tịch HĐQT công ty, ông Kyohei Hosono cũng nhấn mạnh sẽ tái cấu trúc công ty và cố gắng “thay đổi phong cách quản lý theo mô hình gia đình sang phong cách dân chủ hơn”.

Quyền lực vẫn nằm trong tay nhóm ông Lê Văn Hướng dù cơ cấu cổ đông JVC còn các nhóm nhà đầu tư nước ngoài, như: Orix Corporation nắm 2,8%, Quỹ Vietnam Equity Holding (do Saigon AM quản lý) nắm 5,1%, nhóm Dragon Capital nắm 9,95% (tính đến tháng 6/2015). Thế nhưng, kiểm toán KPMG đã chỉ ra các nghi vấn sai phạm trong sử dụng vốn, giao dịch với các bên liên quan của Ban điều hành cũ. Đáng chú ý, HĐQT JVC đã thay đổi phương án sử dụng nguồn tiền 750 tỷ đồng thu từ đợt phát hành 50 triệu cổ phiếu ra công chúng (ngày 9/1/2015) mà không báo cáo với cổ đông và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong đó, công ty này đã dùng gần 104 tỷ đồng để trả nợ thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN và các khoản phạt chậm nộp thuế; góp vốn vào công ty liên kết 500 triệu đồng. Được biết, khi xuất hiện tin đồn ông Hướng bị bắt, chủ nợ Vietinbank lập tức yêu cầu JVC trả nợ trước hạn 235 tỷ đồng, khiến công ty phải thay đổi kế hoạch sử dụng 750 tỷ đồng thu từ phát hành tăng vốn.

Kiểm toán viên không thể xác định được liệu các khoản vốn còn lại của đợt chào bán ngày 22/10/2014 trị giá hơn 645 tỷ đồng có được sử dụng theo đúng mục đích hay không do JVC chưa cung cấp hồ sơ chi tiết. Điều này khiến cho KMPG không thể xác định được các ảnh hưởng có thể có đối với BCTC hợp nhất năm 2015 nếu số tiền này không được sử dụng đúng mục đích.

Đơn vị kiểm toán cũng lưu ý: Ban lãnh đạo tiền nhiệm của JVC đã thực hiện các giao dịch bảo lãnh cho 2 công ty liên quan đến các thành viên tiền nhiệm của Ban Giám đốc mà chưa được ĐHCĐ phê duyệt, như mua bán hàng, tạm ứng, thanh toán hộ, đầu tư góp vốn vào các dự án liên kết thiết bị y tế…  Có thể JVC phải trích lập dự phòng lên tới 705 tỷ đồng cho các giao dịch này, khiến công ty chìm sâu vào thua lỗ.

Thu Hằng/Thời báo Kinh Doanh

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...