VEPR cảnh báo nguy cơ “vàng hóa” trở lại trong nền kinh tế

Theo VEPR, sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước khiến giá vàng trong nước khó liên thông với thế giới, nguy cơ dẫn tới hiện tượng vàng hóa trong dân.
VEPR cảnh báo nguy cơ “vàng hóa” trở lại trong nền kinh tế

Theo phân tích của các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thị trường vàng trong nước vẫn chưa thực sự có sự liên thông về giá với thị trường vàng thế giới, đặc biệt những tháng Quý 4/2016.

"Trong khi giá vàng thế giới liên tục thay đổi sau các cuộc họp của Fed, giá vàng trong nước thậm chí còn thay đổi theo chiều ngược lại. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lại được nới rộng kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ và quyết định tăng lãi suất của Fed.

Tính tới ngày 30/12/2016, mức chênh lệch đã lên tới trên 5 triệu đồng/lượng, chủ yếu do giá vàng thế giới sụt giảm mạnh sau quyết định của FED. Cụ thể, giá vàng thế giới sau khi quy đổi đã giảm 10,7% trong Quý 4. Trong khi đó, giá vàng trong nước biến động thất thường trong suốt quý. Giá vàng SJC bán ra cuối tháng 12 gần như không thay đổi so với mức giá cuối tháng 9, ở mức 36,5 triệu đồng/lượng. Như vậy giá vàng tính tới cuối năm 2016 đã tăng 11,47% so với thời điểm cuối năm 2015.

Giá vàng trong nước biến động chủ yếu do tâm lý của người dân, đặc biệt sau tin đồn về vấn đề đổi tiền. Nhu cầu dự trữ vàng tăng cao trong khi cung vàng chịu sự điều tiết của NHNN khiến giá vàng trong nước khó có sự liên thông với giá vàng thế giới. Điều này một phần sẽ dẫn tới hiện tượng vàng hóa trong dân.

VEPR còn nhắc rằng, việc nhu cầu tích trữ vàng trong trường hợp này có cơ chế lan truyền tương tự vấn đề huy động vàng trong dân mà nhóm nghiên cứu đã đề cập trước đây.

Theo VEPR, vàng, hiện được cất giữ trong dân, mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản. Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống. Điều này sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương hơn. Đây sẽ là nguyên nhân chı́nh dẫn tới hiện tượng vàng hóa trở lại. Điều này cũng đúng với đô la hóa, khi các NHTM đặt mức lãi suất huy động dương với đồng USD.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2016, định hướng giải pháp điều hành năm 2017, diễn ra sáng 4/1/2017, đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá: "thị trường vàng trong năm 2016 về cơ bản ổn định và tự điều tiết tốt. Vào những thời điểm thị trường vàng thế giới biến động mạnh nhưng thị trường vàng trong nước tương đối ổn định. Sức hấp dẫn của vàng miếng suy giảm, doanh số mua, bán vàng đã giảm nhiều so với những năm trước. Thị trường vàng trong nước điều tiết tốt, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng chuyển thành tiền hoặc các tài sản khác để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội".

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...