Vì sao người dân ưa chọn tích lũy vàng SJC?

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, người Việt Nam từ xưa đến nay có tâm lý tích trữ để đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro. Trong khi đó, vàng SJC được xác minh là vàng thương hiệu quốc gia nên người dân sẽ chọn tích lũy loại vàng này…

Người dân chọn tích lũy vàng SJC do được xác định là vàng thương hiệu quốc gia
Người dân chọn tích lũy vàng SJC do được xác định là vàng thương hiệu quốc gia

Ngày 25/1, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức toạ đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”.

Giải đáp thắc mắc liên quan đến tình trạng chênh lệnh về giá vàng giao dịch giữa trong nước và thế giới thời gian qua, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định rất chặt chẽ rằng nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Những năm qua, nhà nước chỉ lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Tâm lý của người dân Việt Nam từ xưa đến nay liên quan đến chuyện tích trữ để đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro và đương nhiên vàng là một phương tiện tích trữ đảm bảo nhất. Tâm lý này có trên cả thế giới chứ không riêng Việt Nam, nhưng Việt Nam có tâm lý truyền thống đó cao hơn.

Trong bối cảnh người ta cần có tích lũy như thế mà vàng miếng là vàng tích lũy, vàng SJC lại được xác định là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên người dân tích lũy sẽ chọn vàng tin cậy nhất. Mặc dù SJC và các loại vàng miếng khác có thể cùng chất lượng như nhau nhưng đây là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên đấy là vàng được tin cậy. Tích lũy bao giờ cũng đảm bảo an toàn nhất nên người ta đều mong muốn mua, tích lũy, sở hữu vàng SJC. Trong khi cung không có mà cầu có thực thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu và giá vàng sẽ tăng.

Bên cạnh đó, ông Cường cho biết, Việt Nam không có chuyện liên thông. Ví dụ, trong nước giá cao thì nhập khẩu vào để cân bằng. Nếu trong nước giá thấp, thế giới giá cao, xuất khẩu ra để cân bằng. Ở đây không có quan hệ xuất nhập khẩu như thế. Như vậy, không có việc Việt Nam cân bằng được giữa thị trường vàng trong nước và thế giới dẫn đến tình trạng thế giới có thể tăng một chút thì trong nước tăng rất cao.

Khi có tình trạng không liên thông dẫn đến tăng như thế, hậu quả xảy ra sẽ rất lớn. Đầu tiên, những người có nhu cầu sở hữu vàng, cất trữ vàng sẽ bị thiệt hại, phải mua vàng với một cái giá rất cao.

Thứ hai, không bình đẳng giữa những vàng miếng như nhau, có thể chất lượng cùng là 9999 như nhau nhưng vàng SJC được nhà nước bảo hộ thì giá rất cao. Các vàng khác không được bảo hộ thì giá sẽ thấp.

Thứ ba, gây nguy hại không phải chỉ riêng cho người dân mà còn thiệt hại về mặt xã hội. Khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch nhiều sẽ sinh lợi cho việc nhập lậu vàng. Nhà nước không cấp phép nhập vàng thì người ta sẽ buôn lậu. Khi lợi nhuận càng cao, tình trạng buôn lậu sẽ diễn ra càng lớn bởi giữa lợi nhuận và xác suất bị phát hiện khi buôn lậu, người ta sẵn sàng buôn lậu vì dù có thể bị bắt giữ, người ta vẫn có thể bù lại được.

Đứng trước tình trạng đó, hiện rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý. Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, chắc chắn phải nghĩ đến chuyện thay đổi, sửa đổi nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Chẳng hạn, không nhất thiết phải độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng. Có lẽ vàng là một hàng hóa khá thông thường, mọi người đều có thể sử dụng và nhà nước quản lý mặt hàng này rất dễ, không nhất thiết phải độc quyền.

Bên cạnh đó, có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa. Tâm lý càng khan hiếm càng tăng giá, càng đi mua. Giờ không khan hiếm nữa thì sẽ đỡ hơn.

Yếu tố nữa là cần có liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế. Chẳng hạn như vấn đề xuất nhập khẩu. Xuất nhập khẩu ở đây phải có phương thức quản lý phù hợp. Không phải cứ duy trì một cơ chế như trước đây là cấp phép, cấp quota theo dạng “xin-cho” mà có thể sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết quan hệ xuất nhập khẩu đó.

Ngoài ra, ông Cường cho rằng phải có các phương thức giao dịch đa dạng hơn chứ không phải người dân ai cũng mong muốn tích trữ thì cứ việc quay sang mua vàng miếng. Đấy người ta gọi là sử dụng, mua bán vàng vật chất.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...