Hơn 1,06 tỷ USD vốn ngoại sẽ đổ vào thương vụ IPO lớn kỷ lục của Ngân hàng Techcombank
Hơn chục năm trước, cuộc “đổ bổ” của các định chế tài chính quốc tế vào một số ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, ACB… đã đem lại diện mạo mới năng động hơn cho hệ thống ngân hàng Việt. Từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay, mặc dù dòng vốn ngoại dù có biến động, rút lui ở đâu đó… song vẫn có xu hướng tăng trưởng về cả số lượng, quy mô vốn đầu tư, đặc biệt đổ mạnh vào một số nhà băng có tài chính lành mạnh, đột phá và tăng trưởng đường dài khả quan.
Người khôn chọn “mảnh đất màu”
Sức hấp dẫn vốn ngoại vào nhà băng tư nhân Việt Nam có thể quan sát từ trường hợp của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Năm 2005, HSBC chính thức đặt chân vào Techcombank với vai trò cổ đông chiến lược nước ngoài và tăng dần sở hữu lên 19,41% vốn (tương đương 172,32 triệu cổ phần). Cổ đông này tham gia sâu vào nhiều hoạt động nhằm giúp chuyển đổi Techcombank từ một ngân hàng truyền thống trở thành một trong số ngân hàng cổ phần năng động nhất về mảng bán lẻ tại Việt Nam.
Mùa hè năm 2017, HSBC đã chia tay Techcombank với giá trị thoái vốn ước chừng 5.000 tỷ đồng (khoảng 23.000 đồng/CP) sau khi bán lại 172,32 triệu cổ phần cho chính ngân hàng làm cổ phiếu quỹ.
“Khoảng trống” HSBC nhanh chóng được Techcombank bù đắp bằng những nhà đầu tư nền tảng mới. Ngay sau khi ĐHCĐ thường niên tháng 3/2018 thông qua việc bán cổ phiếu quỹ, Techcombank đã đạt được thoả thuận về khoản đầu tư 370 triệu USD (khoảng hơn 8.400 tỷ đồng) từ hai nhà đầu tư thuộc quỹ nổi tiếng Warburg Pincus.
Kế hoạch niêm yết cổ phiếu trì hoãn bao năm qua, tiếp tục được đệ trình và ĐHCĐ thường niên tháng 3/2018 thông qua. Mặc dù không đề cập việc chia cổ tức và tăng vốn, song Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh khi ấy đã hé mở: “với vốn chủ sở hữu còn dư địa 26 nghìn tỷ đồng so với 11.750 tỷ đồng vốn điều lệ thì ngân hàng có thể tăng vốn bất cứ lúc nào” và ông cũng cho rằng phải “lựa chọn thời điểm lên sàn và giá bán kỳ vọng cao hơn, có lời nhất”.
Cổ đông và giới tài chính quan tâm đều “nín thở” mong ngóng “điều kỳ diệu” nào đó sẽ xảy đến bởi giá cổ phiếu TCB bất ngờ tăng vù vù gấp 5 lần trong vòng 1 năm, lên mức 118.000 đồng/CP vào cuối tháng 4/2018.
Giá cổ phiếu TCB được bán cho nhà đầu tư ngoại lên tới 128.000 đồng/CP
Thương vụ bán vốn 1,06 tỷ USD
Tại cuộc họp báo ngày 24.5, Ban lãnh đạo Techcombank cho biết sẽ niêm yết 1,16 tỷ cổ phiếu vào đầu tháng 6 tới. Ngay sau đó, ngân hàng sẽ chia cổ tức 200% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 35 nghìn tỷ đồng, vượt mặt “ông lớn” BIDV để giành vị trí Top 3 về quy mô vốn điều lệ.
Sức nóng cổ phiếu TCB còn đến từ đợt IPO hồi tháng 4 khi ngân hàng đã chào bán thành công 164 triệu cổ phần, chiếm 14,1% vốn điều lệ ngân hàng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mức giá chốt bán cho nhà đầu tư là 128.000 đồng/CP, cao hơn 8,5% thị giá TCB trên OTC, với khoản tiền thu về là 21 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 922 triệu USD). Đây là đợt IPO lớn nhất của một ngân hàng TMCP tư nhân Việt, giúp nâng giá trị vốn hoá của Techcombank lên mức 6,5 tỷ USD.
Các nhà đầu tư ngoại như: quỹ GIC (Singapore), Dragon Capital, Clermont Group, Fidelity và một số Quỹ đầu tư lớn khác đều mong muốn trở thành nhà đầu tư chủ chốt của Techcombank, với giá trị đầu tư khoảng 691,5 triệu USD. Cùng với khoản đầu tư của Warburg Pincus, “cô gái đẹp” Techcombank đã xác lập kỷ lục thu hút được hơn 1,06 tỷ USD vốn ngoại.
Theo lãnh đạo Techcombank, để thuyết phục quỹ ngoại đầu tư và bạo chi cả tỷ USD, ngân hàng đã phải chứng minh bằng một hành trình dài 10 năm tái cơ cấu chủ động hiệu quả, cải thiện các chỉ tiêu kinh doanh, tài chính, chú trọng bán lẻ và chất lượng dịch vụ làm nền tảng cho sự tăng trưởng ổn định và bền vững.
Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh chia sẻ: Chiến lược kinh doanh của Techcombank tập trung vào phân khúc tăng trưởng cao, đầu tư mạnh cho công nghệ, quản trị rủi ro tốt hơn… giúp nâng cao hiệu quả, an toàn hoạt động. Các quỹ đã có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng nhiều khía cạnh trọng yếu.
“Không phải vô cớ khi nhu cầu đặt mua cổ phiếu TCB từ khối ngoại lên tới 4 tỷ USD, gấp 4 lần lượng chào bán. Triển vọng tăng trưởng dài hạn của ngân hàng chính là điều nhà đầu tư ngoại chờ đợi và kỳ vọng nhất” – ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết.
Năm 2017, tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 8.306 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2015 và giúp Techcombank vươn lên Top 5 ngân hàng lãi khủng nhất hệ thống.
3 năm qua, không chỉ thu nhập lãi, lợi nhuận tăng mạnh mà Techcombank còn ghi nhận các chỉ tiêu tài chính “đẹp” hơn, cụ thể: hệ số ROE năm 2017 là 23,84%, ROA là 2,09%. Tín dụng tăng 16%, biên thu nhập thuần NIM duy trì ở mức 3,9%. Tỷ trọng thu nhập phí thuần trên tổng thu nhập hoạt động tiếp tục tăng trưởng thành 23,32% so với mức 16,53% của năm trước. Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập CIR được kiểm soát tốt ở mức 28,75%, giảm dần từ mức cao 59,42% của năm 2013. Tổng tài sản tăng trưởng 17% và kiểm soát chặt rủi ro, giảm nợ xấu dưới mức 2%...
Năm 2018, tổng tài sản của Techcombank dự kiến tăng lên 315,2 nghìn tỷ đồng và vốn chủ sở hữu vượt 41 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế cán mốc 10.000 tỷ đồng và đến hết quý 1, con số này đã đạt 2.569 tỷ đồng.
Cuộc đua hút vốn ngoại cũng sôi động hơn khi một số nhà băng lớn như Vietcombank, BIDV, OCB, VPBank… rốt ráo công bố kế hoạch bán cổ phần cho nước ngoài. Đơn cử, Vietcombank sẽ chào bán riêng lẻ 10% vốn (xấp xỉ 359,78 triệu cổ phiếu) cho tối đa 10 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có thể là quỹ GIC và cổ đông chiến lược Mizuho (Nhật Bản). Hay BIDV có kế hoạch bán 15% cho một đối tác chiến lược nước ngoài và 10% nhà đầu tư ngoại như KEB Hana Bank (Hàn Quốc)…
Techcombank hiện là điểm sáng trong các ngân hàng Việt Nam, khai thác tốt đầu tư về công nghệ và không ngừng thực hành giá trị cốt lõi “Lấy khách hàng làm trọng tâm”. Nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân dẫn đầu về ngân hàng số và bán lẻ, Techcombank đạt 5 cái nhất “tỷ lệ giao dịch thẻ tín dụng Visa cao nhất, tỷ lệ CASA cao thứ 2 hệ thống, thị phần bancassurance, thị phần cho vay bất động sản lớn nhất, tổng thu nhập hoạt động/nhân viên cao nhất, xếp hạng tín dụng cao nhất”… Dẫn đầu trong các phân khúc tăng trưởng cao, mảng tín dụng khách hàng cá nhân giúp lợi nhuận gộp (CAGR) của Techcombank tăng trưởng 17%, giao dịch thẻ Visa giúp CAGR tăng 37%, kinh doanh bảo hiểm giúp CAGR tăng 25-30%... Đặc biệt, Techcombank hiện là nhà thu xếp trái phiếu doanh nghiệp số 1 và chiếm hơn 80% thị phần môi giới trái phiếu trên HoSE… |
>> Sau niêm yết cổ phiếu, Techcombank sẽ phát hành tăng vốn điều lệ lên gần 35 nghìn tỷ đồng