“Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới”

Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, trong đó tập trung vào ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng...
“Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới”

Dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thập kỷ qua đã tăng gấp 10 lần, vượt mặt các đối thủ cạnh tranh trong khu vực

Dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thập kỷ qua đã tăng gấp 10 lần, vượt mặt các đối thủ cạnh tranh trong khu vực nhưng hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng mang lại còn nhiều hạn chế.

FDI thế hệ một có giá trị thấp

Phát biểu tại Hội thảo "Một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới 2020-2030", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia thế giới đã mổ xẻ ưu điểm và hạn chế trong quá trình thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam.

Ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến tháng 6 năm 2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 331,2 tỷ USD, vốn giải ngân luỹ kế khoảng 180,7 tỷ USD. Tính theo tỷ lệ %GDP hay theo đầu người thì vốn FDI vào Việt Nam vượt Trung Quốc, Ấn Độ và phần lớn vượt các nước ASEAN.

Hiện có 128 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vị trí số 1 về thu hút vốn FDI với tỷ lệ 58%, tiếp theo là kinh doanh bất động sản với tỷ lệ 16%.

Mặc dù đóng góp của FDI tại Việt Nam như tạo ra phương thức thu hút đầu tư lớn, góp phần quan trọng vào xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ,… Song, đến nay vẫn chưa có sự bứt phá trong xu thế thu hút, sử dụng FDI. Tác động lan toả từ khu vực FDI đến khu vực doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Đồng quan điểm, ông Wim Douw, Chuyên gia trưởng lĩnh vực tư nhân, Tổ chức Tài chính quốc tế cho rằng, phần lớn đầu tư FDI vào Việt Nam chỉ tập trung vào các ngành thuộc nhóm khai thác thị trường như bất động sản, chế tạo, chế biến giá trị gia tăng tương đối thấp.

Khảo sát của cơ quan này thực hiện chỉ ra rằng, hầu như không doanh nghiệp nào thấy tỷ lệ lao động có trình đọ kỹ thuật cao hay chuỗi cung ứng địa phương có năng lực cạnh tranh là thế mạnh của Việt Nam. Trong khi đó, những công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, Thái Lan hay Philippines đều cho biết những quốc gia này lao động có tay nghề cao hơn và chuỗi cung ứng tốt hơn hẳn Việt Nam.

"Khi chi phí nhân công tăng lên và miễn, giảm thuế hết hiệu lực thì sẽ có nhiều nội dung cần phải cải thiện để thu hút đầu tư nước ngoài, trở thành nước có thu nhập cao", vị này nói.

Thay đổi chiến lược để FDI thế hệ mới "chất" hơn

Từ thực tế đó, các chuyên gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới đưa ra các khuyến nghị Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, trong đó tập trung vào ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng.

Kết quả sàng lọc những ngành nghề cần chủ động ưu tiên xúc tiến đầu tư nhất và FDI mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất trong thời gian tới được kể đến như là: Chế tạo chế biến, dịch vụ - Logistics, nông nghiệp, du lịch, giáo dục - y tế. Dù vậy, những ngành then chốt khác như dệt may, da giày, quần áo, dịch vụ gia công thuê ngoài, chế biến sơ cấp kim loại, khoáng chất vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng.

Theo nhóm này, các nhà đầu tư vào Việt Nam đang hoạt động cấp độ 4.0 nhưng thể chế và môi trường kinh doanh chủ yếu vẫn ở cấp 2.0. Lấp đầy sự chênh lệch này chính là mục tiêu chính của lộ trình thu hút FDI thế hệ mới.

Do đó, giới chuyên gia đến từ quốc tế khuyến nghị Việt Nam nên thành lập "Cục Đầu tư nước ngoài thế hệ mới" thay thế Cục Đầu tư nước ngoài hiện tại. Theo IFC, chức năng và nhiệm vụ của Cục Đầu tư nước ngoài hiện tại bị phân tán mạnh giữa nhiều bộ, ngành. Chưa có tổ chức nào ở Việt Nam có đủ năng lực, kỹ năng nhân sự và thẩm quyền đầu mối để thực hiện xúc tiến đầu tư phù hợp với FDI thế hệ mới.

Cục Đầu tư nước ngoài thế hệ mới sẽ có đại diện đáng kể của doanh nghiệp; khả năng thu hút nhân lực có kinh nghiệm và kỹ năng từ tư nhân.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành. Cả cấp trung ương và địa phương cần đổi mới tư duy từ quan điểm hào phóng, lãng phí, đua nhau ưu đãi bằng cách giảm chi phí sang quan điểm cạnh tranh dựa trên những lợi thế riêng, các tài sản chiến lược, thế mạnh của Việt Nam.

Nhóm này cũng khuyến nghị Việt Nam cần có môi trường kinh doanh 4.0, mở cửa thị trưởng các lĩnh vực quan trọng để tạo thuận lợi cho đầu tư FDI thế hệ mới…

Đánh giá cao những khuyến nghị trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, nội dung nghiên cứu và đề xuất của nhóm chuyên gia sẽ được bộ tiếp thu và tổng hợp vào trong báo cáo đánh giá tổng kết 30 năm của Việt Nam. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng báo cáo tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ vào tháng 10 tới.

Theo Vneconomy

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...