'Việt Nam có thể vượt qua Singapore về quy mô kinh tế vào năm 2029'

Tờ Nikkei Asia Review dẫn báo cáo của DBS Bank (Ngân hàng Phát triển Singapore) nhận định nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,5% trong 10 năm tới và vượt qua Singapore về quy mô vào năm 2029.
'Việt Nam có thể vượt qua Singapore về quy mô kinh tế vào năm 2029'
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 29/5, tờ Nikkei Asia Review dẫn báo cáo của DBS Bank (Ngân hàng Phát triển Singapore) nhận định nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,5% trong 10 năm tới và vượt qua Singapore về quy mô vào năm 2029.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo nghiên cứu một ngày trước đó, chuyên gia kinh tế cao cấp Irvin Seah của DBS Bank cho rằng các yếu tố cơ bản, bao gồm sự cải thiện về năng suất và cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xu hướng này sẽ tiếp tục.
Theo báo cáo trên, nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng để duy trì tốc độ tăng trưởng từ 6% đến 6,5% trong trung hạn, trong đó 5,5% đến từ việc tăng năng suất lao động và 1% trong ngắn hạn đến từ sự gia tăng số người trong độ tuổi lao động. Hiện tại, quy mô của nền kinh tế Việt Nam bằng 69% quy mô của nền kinh tế Singapore.
Chuyên gia Seah dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô lớn hơn nền kinh tế Singapore trong một thập kỷ tới, nếu Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng như vậy trong khi Singapore tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ khoảng 2,5%.
Báo cáo nhận định Chính phủ Việt Nam đang “nỗ lực một cách có tính toán để khuyến khích đầu tư và cải thiện hạ tầng.” Ngoài ra, báo cáo cho rằng do vị trí địa lý nằm trong chuỗi cung ứng khu vực và hệ thống các hiệp định thương mại tự do (FTA) mở rộng, Việt Nam có một “vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ các tranh chấp thương mại hiện nay” giữa Mỹ và Trung Quốc.
DBS Bank cũng đưa ra các số liệu mà ngân hàng này thu thập được cho thấy vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2019, vượt qua tất cả các nước khác và đạt 1,3 tỷ USD, so với con số khoảng 200 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng tăng khi các công ty đang di chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia Đông Nam Á này nhằm tránh mức thuế suất cao mà Mỹ áp với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Việt Nam cũng nổi lên như một trong những công xưởng sản xuất hàng điện tử lớn nhất trong khu vực này.
Theo Danh Tùng/Vietnamplus

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...