Việt Nam đã có 6 ngân hàng quản trị rủi ro theo chuẩn Basel III

Hiện tại, đã có trên 20 ngân hàng thương mại đang triển khai Basel II, trong đó có 6 ngân hàng triển khai quản trị rủi ro theo chuẩn Basel III.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) vừa công bố chính thức hoàn thành triển khai các nội dung trọng yếu ILAAP và chuẩn mực Basel III. Đây là một trong những chuẩn mực yêu cầu cao về vốn và quản trị rủi ro thanh khoản. Điều này sẽ giúp ngân hàng ACB tiếp tục nâng cao mức độ của bộ tiêu chuẩn về quản lý rủi ro.

Ngoài ra, ngân hàng ACB là một trong những ngân hàng hoàn thành sớm đủ cả 3 trụ cột của Basel II. Đến 2022, năng lực quản trị rủi ro thanh khoản và đáp ứng an toàn vốn tại ngân hàng ACB được xác nhận đạt chuẩn Basel III sau khi kết quả rà soát từ tư vấn độc lập KPMG cho thấy ngân hàng này đã tuân thủ toàn bộ các cấu phần trọng yếu trong bộ khung quản trị thanh khoản và an toàn vốn theo Basel III.

Basel III
rên thực tế, Basel III yêu cầu các ngân hàng nắm giữ lượng vốn cao hơn và với chất lượng cao hơn nhằm bù đắp những thiệt hại không kỳ vọng

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống ngân hàng Việt đã có 6 ngân hàng triển khai quản trị rủi ro theo chuẩn Basel III gồm VPBank, TPBank, SeABank, Nam A Bank, OCBACB.

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng đang áp dụng một phần hoặc thí điểm triển khai Basel III như VIB, HDBank, Techcombank, LienVietPostBank, ABBank, MSB, Sacombank...

Basel III là chuẩn mực quản trị rủi ro uy tín được áp dụng rộng rãi trên quốc tế và đang được hệ thống ngân hàng Việt Nam hướng tới, thông qua việc nâng cao chất lượng về vốn và năng lực thanh khoản theo yêu cầu của chuẩn mực, giúp ngân hàng trang bị khả năng chống đỡ tốt hơn trước những căng thẳng thanh khoản đồng thời tạo nền tảng cho một hệ thống ngân hàng bền vững có sức chống chịu biến cố, khả năng phục hồi sau biến cố và góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra.

Theo đó, đối với cấu phần vốn, chuẩn mực Basel III đòi hỏi các ngân hàng phải đáp ứng đồng thời cả tỷ lệ an toàn vốn và các cấu phần vốn lõi cùng các cấu phần vốn đệm dự phòng nhằm đảm bảo dự phòng vốn an toàn hoạt động. Ngoài ra, Basel III còn đưa ra bộ các chỉ số quản lý rủi ro thanh khoản bao gồm: Tỷ lệ dự trữ thanh khoản - LCR; tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (NSFR) và tỷ lệ đòn bẩy (LR) để tăng sức chịu đựng thanh khoản của ngân hàng trước những kịch bản căng thẳng.

Chuẩn mực yêu cầu cao về vốn và chú trọng quản trị rủi ro thanh khoản như trên nhằm đảm bảo ngân hàng có đủ tài sản có tính thanh khoản cao để đáp ứng nhu cầu thanh khoản, duy trì một cấu trúc vốn bền vững, hạn chế sự phụ thuộc vào các nguồn vốn tài trợ bán buôn ngắn hạn đối với tất cả các khoản mục tài sản nội và ngoại bảng và hạn chế rủi ro của việc tỷ lệ đòn bẩy cao. Nhờ vậy, các nguồn tài trợ vốn thường xuyên của ngân hàng sẽ được duy trì ổn định hơn, giảm nguy cơ vị thế thanh khoản bị xói mòn và ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động ngân hàng.

Cụ thể, Basel III yêu cầu các ngân hàng nắm giữ lượng vốn cao hơn và với chất lượng cao hơn nhằm bù đắp những thiệt hại không mong muốn. Điển hình như tỷ lệ vốn cấp 1 tăng từ 4% trong Basel II lên 6% trong Basel III, đồng thời tỷ lệ vốn của cổ đông thường được tăng từ 2% lên 4%.

Bên cạnh đó, Basel III cũng đã yêu cầu bổ sung phần vốn đệm dự phòng tài chính đảm bảo bằng vốn chủ sở hữu là 2,5% và tỷ lệ vốn đệm phòng ngừa sự suy giảm theo chu kỳ kinh tế có thể được thiết lập với tỷ lệ từ 0 - 2,5% tùy theo từng quốc gia. Và phải được đảm bảo bằng vốn chủ sở hữu phổ thông.

Do đó, để áp dụng Basel III, các ngân hàng sẽ phải chuẩn bị một lượng vốn dồi dào, chấp nhận một mức đệm dự phòng lớn hơn để giảm rủi ro trong hoạt động. Việc này sẽ giúp ngân hàng đảm bảo thanh khoản, có đủ đệm vốn dự trữ chống chịu được các biến động bất thường của thị trường. Đồng thời nâng cao được vị thế và uy tín cho ngân hàng, nhờ vậy, có thể dễ dàng tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Có thể bạn quan tâm