Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một điểm đến du lịch vô cùng hấp dẫn đối với giới siêu giàu toàn cầu. Với sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, những di sản văn hóa ngàn năm tuổi, cùng nền ẩm thực phong phú, Việt Nam hứa hẹn mang đến những trải nghiệm du lịch cao cấp độc đáo, đáp ứng mọi nhu cầu của giới thượng lưu.
KHI CÁC TỶ PHÚ “MÊ MẨN” VIỆT NAM
Mới đây, thông tin về một sự kiện nghệ thuật mang tầm cỡ quốc tế sẽ được tổ chức tại Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với sự tham dự của hàng trăm tỷ phú đang thu hút nhiều sự quan tâm.
Cụ thể, vào tháng 1/2025, lễ hội "Nghệ thuật vì khí hậu - Vịnh Hạ Long 2025" sẽ được tổ chức tại Vịnh Hạ Long nhằm tôn vinh các giá trị nghệ thuật và nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Trước đó, sự kiện được dự kiến tổ chức tại một quốc gia khu vực Trung Đông. Nhưng sau đó Arsuprema, đơn vị tổ chức “Nghệ thuật vì khí hậu” của Pháp đã chọn Vịnh Hạ Long của Việt Nam là “điểm dừng chân” của năm 2025.
Sự kiện nghệ thuật mang tầm quốc tế ước tính sẽ thu hút khoảng 80.000 người tham gia, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, quản lý địa phương, nghệ sĩ, nhà hoạt động vì môi trường, nhà đầu tư, sinh viên và cộng đồng rộng rãi.
Đặc biệt, hơn 200 tỷ phú châu Âu, từng tham gia các sự kiện “Nghệ thuật vì khí hậu” trước đó dự kiến sẽ có mặt, cùng với sự góp mặt của các tỷ phú châu Á, nhiều người trong số họ chưa từng đến Việt Nam trước đây.
Điểm nhấn của chuỗi sự kiện là rất nhiều tỷ phú dự kiến sẽ đến Vịnh Hạ Long bằng siêu du thuyền. Ban tổ chức đang lên kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương để sắp xếp cho các du thuyền neo đậu tại những bãi cát tuyệt đẹp nằm dưới chân núi giữa Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.
Đây không phải lần hiếm hoi các tỷ phú quốc tế đến Việt Nam tham quan du lịch. Mới đây nhất, vào cuối tháng 8/2024, Tỷ phú Ấn Độ Dilip Shanghvi, nhà sáng lập tập đoàn dược phẩm Sun Pharmaceutical Industries Limited (Sun Pharma) đã đưa 4.500 nhân viên tới Việt Nam du lịch trong gần hai tuần, ghé thăm Hà Nội, Ninh Bình, Vịnh Hạ Long và trải nghiệm những nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc các tỷ phú lựa chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng để tổ chức các sự kiện trọng đại cũng không còn xa lạ. Điển hình, vào tháng 3/2019, đã diễn ra sự kiện có vai trò đánh dấu mối liên kết giữa Việt Nam với giới siêu giàu của Ấn Độ là đám cưới “thế kỷ” của một cặp tỷ phú Ấn Độ đã diễn ra tại Phú Quốc với 700 khách mời đều thuộc giới thượng lưu. Siêu đám cưới này đã diễn ra 4 ngày với nhiều sự kiện “vô tiền khoáng hậu” chưa từng có trước đây.
TẠO BƯỚC NGOẶT VỚI PHÂN KHÚC CAO CẤP
Việt Nam, với vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ và sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch, đang trở thành một điểm đến lý tưởng cho giới thượng lưu. Những bãi biển riêng tư, những khu nghỉ dưỡng sang trọng và những trải nghiệm ẩm thực độc đáo đã và đang thu hút ngày càng nhiều du khách hạng sang. Bên cạnh đó, sự an toàn, bảo mật và dịch vụ cá nhân hóa cao cấp cũng là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Nắm bắt những tiềm năng phát triển thị trường du lịch hướng đến phân khúc du khách có điều kiện kinh tế, từ năm 2011, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đưa vấn đề này vào mục tiêu phát triển thị trường vào “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Cụ thể, cơ quan quản lý đã sớm đề ra giải pháp phát triển thị trường khách du lịch tập trung thu hút có lựa chọn các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày.
Đối với thị trường du lịch nội địa, chú trọng phân đoạn khách nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần và mua sắm. Đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến từ Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á và Thái Bình Dương (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Úc); Tây Âu (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan); Bắc Âu; Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) và Đông Âu (Nga, Ukraina); mở rộng thu hút khách du lịch đến từ các thị trường mới: Trung Đông, Ấn Độ…
Tại chương trình “Bữa sáng Doanh nhân” do hai hiệp hội VACOD-HBA tổ chức ngày 28/9, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch chia sẻ: “Lễ hội nghệ thuật vì khí hậu - Vịnh Hạ Long 2025 và những sự kiện mang tầm cỡ quốc tế có thể sẽ là cú hích tạo động lực cho ngành du lịch Việt Nam bứt phá khi khẳng định được vị thế phát triển du lịch cao cấp. Việt Nam không chỉ là điểm đến của những khách du lịch bình dân mà đã dần thu hút đối tượng khách du lịch thuộc tầng lớp trung, thượng lưu như thương gia, chính trị gia, tỷ phú… nổi tiếng thế giới”.
Trong khuôn khổ chương trình “Bữa sáng Doanh nhân”, Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn cũng gợi ý ngành du lịch nên tập trung phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp, hướng đến đối tượng khách du lịch doanh nhân, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của thị trường này.
Bởi theo Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn, rất nhiều đoàn doanh nhân Việt Nam sang nước ngoài công tác rất mong muốn được tiếp cận với các đối tác doanh nhân quốc gia sở tại cũng như các doanh nhân Việt đang làm ăn, kinh doanh tại đây nhưng không phải việc đơn giản.
"Đây là thị trường ngách của ngành du lịch nhưng chưa được nhiều công ty lữ hành quan tâm. Hơn ai hết, chính các doanh nghiệp lữ hành cần phát huy năng lực nắm bắt cơ hội, phát huy vai trò kết nối giữa đối tượng du khách là doanh nhân với các Đại sứ quán, cơ quan Tham tán thương mại của Việt Nam ở nước sở tại để hỗ trợ các đoàn công tác doanh nhân làm việc, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương", ông Sơn nhấn mạnh.
Với việc xây dựng mạng lưới kết nối với các đối tác quốc tế là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng phát triển của thị trường du lịch toàn cầu, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, nội dung này cần được đưa vào chương trình chỉ đạo của Cục Du lịch một cách nhanh chóng để các cơ quan thương vụ, đại sứ quán có thể triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả.