Theo báo cáo này, bối cảnh khởi nghiệp tại Việt Nam có thể bắt nguồn từ năm 2004, khi IDG Ventures Vietnam được thành lập, rót hơn 100 triệu USD vào thị trường. Kể từ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đã phát triển 3 đợt: làn sóng đầu tiên (2004 - 2007); làn sóng thứ hai (2007 - 2010); và làn sóng thứ ba (2011 đến nay).
Trong làn sóng thứ ba, Austrade nhận xét Việt Nam đã tăng trưởng 'phi thường' về số lượng startup, từ 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 trong năm 2017. Các không gian làm việc chung (co - working space), vườn ươm khởi nghiệp (Incubator) và tăng tốc khởi nghiệp (Accelerator) cùng các chương trình cho cộng đồng khởi nghiệp cũng bùng nổ từ 2016.
Cộng đồng khởi nghiệp chứng kiến sự ra mắt của các co - working space như Toong, Up, Dreamplex, Circo, Hatch!, Nest và Hub.IT. Các Accelerator (Chương trình đầu tư, đào tạo) mới cũng được ra mắt, bao gồm Vietnam Silicon Valley, Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA), cùng hàng loạt các cơ sở ươm tạo thuộc các cơ quan chính phủ, trường đại học và viện nghiên cứu.
Theo Topica Founder Institute (TFI), lượng vốn đổ vào các startup Việt đã tăng 3 lần trong giai đoạn 2016 - 2018, từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD. Austrade cho rằng vốn nước ngoài được chào đón. Các quỹ đầu tư mạo hiểm và tổ chức công nghệ quốc tế đang phát triển dấu ấn của riêng tại đây.
“Ngày nay, hệ sinh thái đổi mới của Việt Nam tạo cơ hội đặc biệt cho các nhà đầu tư công nghệ. Một yếu tố thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới này là dân số trẻ. Với độ tuổi trung bình chỉ 30, người Việt Nam rất am hiểu công nghệ và hoạt động kỹ thuật số", báo cáo cũng chỉ ra các yếu tố thuận lợi khác như tỷ lệ thâm nhập Internet và smartphone cao, sự khuyến khích khởi nghiệp của Chính phủ.
Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam được thúc đẩy chính ở 3 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Dù xác nhận các startup có tiềm năng lớn để phát triển, báo cáo của Austrade cũng chỉ ra 5 thách thức cơ bản đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Bao gồm Khả năng tiếp cận tài chính; Tài năng và kỹ năng điều hành;Hệ sinh thái phân mảnh; Khả năng R&D;Vấn đề sở hữu trí tuệ.
Trong đó các thách thức, báo cáo cho rằng, dù Việt Nam nằm trong top 3 Đông Nam Á về số lượng startup, nhưng không nhiều doanh nghiệp được trang bị các kỹ năng cần thiết để phát triển mô hình kinh doanh bền vững, hoặc phù hợp với các dự án. Do đó, nhiều startup địa phương có cơ hội hạn chế để kết nối với hệ sinh thái khu vực.
Cũng trong báo cáo này, Austrade đã đưa ra đánh giá về cơ hội cho các nhà đầu tư Australia, báo cáo gợi mở khá nhiều tiềm năng nhưng cũng lưu ý vài thử thách khi muốn tiếp cận hệ sinh thái khởi nghiệp ở đây.
Các lưu ý chính cho các nhà đầu tư bao gồm: lĩnh vực thanh toán điện tử dù rất triển vọng nhưng đã có nhiều đơn vị tham gia; việc tìm kiếm và đào tạo các nhà sáng lập tài năng nội địa còn hóc búa; công nghệ Blockchain dù hứa hẹn nhưng cũng là thách thức, hay như việc tìm kiếm các nhân sự IT chất lượng cao nhưng giá cả hợp lý...
Theo Báo đầu tư
>> Đến năm 2025, Hà Nội sẽ hỗ trợ cho 500 dự án khởi nghiệp