Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng trong phát triển ngân hàng số

Báo cáo mới đây của Boston Consulting Group (BCG) cho thấy bức tranh toàn cảnh mảng ngân hàng số ở Châu Á - Thái Bình Dương và chỉ ra các yếu tố khiến Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ là “miền đât hứa” cho các ngân hàng số muốn tăng trưởng cao.
Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng trong phát triển ngân hàng số

Theo báo cáo của BCG, doanh thu ngành ngân hàng Việt Nam có thể chạm mốc 27 tỷ USD vào năm 2024, tương đương mức tăng trưởng 13% mỗi năm từ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng cao nhất mà BCG quan sát được ở khu vực Đông Nam Á.

Theo Tạp chí Tài Chính, Việt Nam hiện có trên 97,4 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ, do đó khả năng tiếp cận với công nghệ, internet cao, tỷ lệ dân số sử dụng smartphone tăng nhanh. Theo báo cáo thị trường quảng cáo số Việt Nam của Adsota tháng 7/2020, Việt Nam có đến 43,7 triệu người đang sử dụng các thiết bị smartphone, đạt tỷ lệ 44,9%; nằm trong 15 thị trường có số người dùng smartphone cao nhất thế giới. Điều này cho thấy, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng trong phát triển ngân hàng số.

Nhận định về vấn đề cơ hội phát triển ngân hàng số tại Việt Nam thời gian tới, ông Nirukt Sapru - Cố vấn toàn cầu của Timo Digital Bank (cựu Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered) cho biết: “Thời gian này, Việt Nam được đánh giá là thị trường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầy tiềm năng cho lĩnh vực ngân hàng số nhờ vào những yếu tố nền tảng như dân số trẻ năng động và có kiến thức am hiểu về công nghệ cũng như cơ chế kinh tế khá cởi mở trong những năm qua tạo ra sự gia tăng mạnh mẽ ở tầng lớp trung lưu. Tôi cho rằng lĩnh vực tài chính – ngân hàng số tại Việt Nam sẽ còn có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới nếu chúng ta có thể tiếp cận tập khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc nâng cấp dịch vụ trải nghiệm theo hướng cá nhân hóa tạo ra sự mới mẻ và đột phá”.

Thực tế cho thấy các ngân hàng số ra đời không phải để thay thế các ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên để trong vòng 10 năm tới, những ngân hàng số được nhìn nhận như ngân hàng truyền thống có rất nhiều rào cản cần phải vượt qua như: Đẩy nhanh quy trình phê duyệt quy định pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng số; Cần đẩy nhanh quy trình ban hành và phê duyệt các quy định pháp lý để tạo điều kiện cho các ngân hàng số có thể bắt kịp với tốc độ phát triển đang được đẩy mạnh nhờ tác động của đại dịch Covid-19 trong hơn 1 năm qua trong cả lĩnh vực tài chính và công nghệ.

Bên cạnh đó, các ngân hàng số cần có tầm nhìn và kế hoạch dài hạn để đầu tư chi phí lớn vào công nghệ, thường xuyên cải tiến, bảo trì, nâng cấp hệ thống, thay mới công nghệ để tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên điều này có thể tạo áp lực rất lớn cho các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có quy mô trung bình và nhỏ.

Ngân hàng số là lĩnh vực còn khá mới tại thị trường Việt Nam, nguồn nhân lực chủ yếu được tuyển dụng từ các ngân hàng truyền thống với chuyên môn tài chính ngân hàng hoặc từ các công ty công nghệ. Vì thế các ngân hàng số đang đối diện với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực có kinh nghiệm. Bên cạnh đó các ngân hàng số còn phải cạnh tranh với các công ty fintech - những đơn vị chấp nhận trả rất nhiều tiền để thu hút nhân sự chất lượng.

Ngoài ra, cần phải nâng cấp hệ thống bảo mật thông tin khách hàng. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ không đúng cách, bị lừa vào những trang ngân hàng giả mạo… khiến cho kẻ gian lợi dụng và chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng. Vì thế để xây dựng được lòng tin từ khách hàng, các ngân hàng số cần phải đảm bảo được sự an toàn, bảo mật thông tin trong từng giao dịch.

Việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân cũng đặt ra nhiều thách thức cho quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam do ở khu vực tỉnh và nông thôn, hệ thống mạng lưới các ngân hàng thưa thớt, nên người dân ít có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng, vì vậy thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến.

Có thể bạn quan tâm