Việt Nam nằm ở đâu trên "bản đồ trí tuệ nhân tạo"?

Theo nghiên cứu mới nhất của HackerRank - một website thực hành code miễn phí, cho phép lập trình viên trên toàn thế giới thử thách kỹ năng của mình - Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ ba trên thế giới v
Việt Nam nằm ở đâu trên "bản đồ trí tuệ nhân tạo"?

Nhưng nếu biết cách đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thứ hạng này còn có thể được thay đổi tích cực hơn nữa.

Cơ hội khi ở nhóm “Đột phá”

Theo khảo sát mới đây của Trường Kinh doanh Đại học Harvard (Mỹ), các quốc gia trên thế giới được phân thành bốn nhóm về sự phát triển kinh tế số, Việt Nam được xếp vào nhóm “Đột phá” có cơ hội lớn để trở nên nổi bật về kinh tế số trong tương lai.

Vì sao Việt Nam được xếp vào nhóm này. Theo phân tích của ông Trương Gia Bình, chủ tịch Tập đoàn FPT, nhìn lại lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN), có thể thấy một điểm chung là sự dẫn dắt bởi khoa học, công nghệ. Ở cuộc CMCN đầu tiên, máy móc thay thế cho sức người. Tiếp theo, cuộc CMCN lần 2, chúng ta có ánh sáng từ điện, có động cơ giúp tốc độ phát triển tăng lên một bậc mới. Đến cuộc CMCN lần 3, là sự ra đời của máy tính với nhiều ứng dụng công nghệ. Còn ở lần thứ tư này, biểu tượng sẽ là robot có trí tuệ toàn cầu. Thế giới xung quanh ta không chỉ trở thành thế giới sống mà biến thành thế giới có nhân tính. Khi đó, các ô tô sẽ tự tránh nhau, hàng hóa sẽ tự đến nhà, “bác sĩ máy” là những người đọc kết quả xét nghiệm chỉ trong vài giây.

Chúng ta được xếp vào nhóm “Đột phá” là bởi, xét về động thái của Chính phủ, Việt Nam đã cho thấy quyết tâm trong việc thúc đẩy tăng cường tiếp cận cơ hội của cuộc cách mạng ngay khi nó chỉ mới bắt đầu. Chẳng hạn như, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, điều ông Trương Gia Bình muốn nhắc đến chính là việc cần phải tranh thủ thời gian để đón đầu cơ hội, tạo được sự bứt phá về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin- truyền thông, muốn vậy các cơ quan chịu trách nhiệm về các đầu việc được giao trong Chỉ thị phải nhanh chóng vào cuộc và có hành động cụ thể. Phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cập cơ hội phát triển nội dung số…

Điều quan trọng nữa, Việt Nam có được lợi thế về nguồn nhân lực với quy mô dân số đứng thứ 14 trên thế giới và có khả năng học hỏi nhanh. Chúng ta có số lượng kỹ sư sở hữu chứng chỉ về công nghệ điện toán đám mây của Amazon Web Service Cloud nhiều nhất. Hay như nền tảng công nghệ vạn vật kết nối Predix của General Electric, FPT cũng đang là công ty đi đầu về số kỹ sư sở hữu chứng chỉ liên quan đến công nghệ này...

Theo một khảo sát của Microsoft, có tới 81% lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi trên thế giới tin rằng, việc chuyển đổi số có thể kích hoạt tăng trưởng. Con số này được củng cố thêm bởi dự báo trong vòng 5 năm tới, sẽ có khoảng 7,1 triệu người mất việc do dư thừa lao động và quá trình tự động hóa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đưa ra. Như vậy, trong tương lai không phải là con người đấu với máy móc mà là hợp sức cùng với máy móc để tạo ra những bộ óc siêu việt trong mọi lĩnh vực. Sẽ có hàng triệu việc làm khác được tạo ra nhờ cuộc cách mạng số, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Dự báo đến năm 2020, số nhân lực làm về IoT sẽ đạt con số 4,5 triệu người với tính cá thể hóa cao, quy mô công việc và số lượng công việc không hề bị giới hạn.

Chúng ta đã có những doanh nghiệp dám tận dụng cơ hội thử sức mình trong những lĩnh vực mới, như cách mà FPT đã bắt tay với Airbus khi hãng này vừa ra mắt nền tảng công nghệ dữ liệu mở Skywise trong lĩnh vực hàng không, để cùng nghiên cứu phát triển công nghệ. Hiện FPT là công ty công nghệ thứ hai sau Palantir (công ty công nghệ được định giá 20 tỷ USD) được Airbus nhắc đến trên các phương tiện truyền thông về việc hợp tác phát triển các giải pháp cho ngành hàng không dựa trên nền tảng công nghệ dữ liệu mở Skywise… Chính sự nhanh nhạy, bản lĩnh của các doanh nghiệp tiên phong sẽ hiện thực hóa được cơ hội từ nhóm “Đột phá” để đưa Việt Nam lọt vào top đầu của các nước nắm bắt được cơ hội phát triển từ cuộc cách mạng 4.0.

Những “cánh én” báo xuân

Cách đây 5 năm, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chủ yếu là “cá lớn nuốt cá bé”. Nhưng trong cuộc cách mạng số, các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh bằng tốc độ, thậm chí cá bé mà nhanh thì ăn cả cá lớn. Hãy tưởng tượng đến những nhà máy không có bóng đèn bởi đã được tự động hóa. Hay những Hệ thống giao tiếp tự động (Chatbot) được ứng dụng ở các công ty dịch vụ như FPT Telecom, FPT Shop, VHT, Sendo… có khả năng trả lời tự động hàng trăm nghìn cuộc gọi trong suốt 24/7, giúp khách hàng tìm kiếm thông tin sản phẩm, gửi thông báo về các chương trình khuyến mãi và hỗ trợ đặt mua hàng trực tiếp nhanh chóng...

Hay như Ngân hàng tự động LiveBank của ngân hàng Tiên Phong cho phép khách hàng có thể thực hiện nhiều loại giao dịch, đồng thời tương tác với thiết bị như đang giao dịch thực tế với nhân viên ngân hàng…. Tất cả đang tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành dịch vụ và tài chính với nền tảng là AI.

“Thị trường 4.0 công nghệ cao tại Việt Nam còn rất nhỏ so với nhu cầu thế giới. Song, với chất xám của kỹ sư Việt Nam, nếu kết nối với thị trường quốc tế và chọn lựa lộ trình phát triển công nghệ - sản phẩm phù hợp, các công ty khởi nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam có thể gây sửng sốt!” – ông Nghiêm Xuân Bách, Giám đốc khu vực của Cinnamon - start-up về AI của Việt Nam tự tin.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Khởi nghiệp châu Á (diễn đàn khởi nghiệp thường niên quy tụ những start-up tiềm năng và “đình đám” nhất trong khu vực cũng như trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ) tổ chức tại Singapore vào năm 2017, Flax Canner - sản phẩm công nghệ AI của Cinnamon do 100% các kỹ sư Việt Nam phát triển đã gây ấn tượng cho chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài. Cho đến nay, sản phẩm đã thương mại hóa thành công sau sáu tháng ra mắt, với 40.000 USD doanh thu định kỳ hằng tháng. Bằng việc nghiên cứu phát triển công nghệ AI, Cinnamon đã trở thành 1 trong 10 startup khởi nghiệp tiềm năng của châu Á.

“Việt Nam hiện đang đi cùng với thế giới trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ AI. Với lợi thế dân số trẻ, sáng tạo, Việt Nam hoàn toàn có cơ thể vươn lên mạnh mẽ trong lĩnh vực này”, ông Lê Hồng Việt – Giám đốc công nghệ FPT nhận định. Tuy nhiên, để Việt Nam thật sự làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ này, ghi dấu ấn trên bản đồ AI thế giới thì không thể chỉ trông chờ vào sự kiệt xuất của một vài cá nhân hay sự tiên phong của một số doanh nghiệp. Họ là những cánh én báo mùa xuân sang, còn để có được mùa xuân đơm hoa kết trái thì sẽ cần đến nỗ lực của toàn xã hội, đặc biệt vài trò của quản lý Nhà nước kiến tạo, để Việt Nam có thể thích ứng và bứt phá vươn lên trong cuộc cách mạng sẽ thay đổi sâu sắc thế giới này! 

"Theo dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới, đến năm 2020, 30% doanh thu của doanh nghiệp sẽ đến từ các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số và doanh nghiệp nào nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số sẽ có lợi nhuận cao hơn 26% so với các doanh nghiệp khác. Xu thế tất yếu đã rõ, chỉ còn lại chúng ta lựa chọn như thế nào!

Có thể bạn quan tâm