Việt Nam nằm trong danh sách các nước tăng trưởng kinh tế nhanh nhất

Theo Đại học Harvard của Mỹ, từ 2015 - 2020 nền kinh tế Việt Nam đã tăng 12 bậc về tính đa dạng, cũng như hiện đại hóa các năng lực sản xuất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.

Cụ thể, báo cáo Chỉ số Phức tạp kinh tế (ECI) do Đại học Harvard chỉ ra, Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng 12 bậc, đứng thứ 51 thế giới về tính đa dạng và sự hiện đại hóa các năng lực sản xuất.

Giáo sư David Dapice - chuyên gia Kinh tế cấp cao, Chương trình Việt Nam và Myanmar, Đại học Harvard nhận định: "Từ vị trí 100 năm 2000 lên 51 trong bảng xếp hạng vừa công bố. Đây là một bước tiến lớn. Điều này một phần xuất phát từ việc cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đã đa dạng hơn nhiều".

tăng trưởng kinh tế
Việt Nam nằm trong danh sách các nước tăng trưởng kinh tế nhanh nhất

Nhiều tờ báo quốc tế cũng có đánh giá nhờ Phát triển trên nền tảng vững chắc, Việt Nam được dự báo "nằm trong danh sách các nước tăng trưởng kinh tế nhanh nhất đến năm 2030".

Trang thương mại tài chính toàn cầu (Trade Finance Global) của Anh đã nêu ra 4 lý do giúp Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư hơn là: Chi phí lao động thấp hơn, tiếp cận thương mại tự do tốt hơn, tích hợp chuỗi cung ứng đơn giản hơn và sự ổn định chính trị.

Ông Raymon Mallon, chuyên gia kinh tế Australia đánh giá: "Kinh tế có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là ở lĩnh vực sản xuất, rồi cả trong các ngành dịch vụ chủ chốt và nông nghiệp. Tăng trưởng trên diện rộng, ở nhiều ngành, điều đó rất là ấn tượng".

Còn tờ báo điện tử DigitalTimes của Singapore cho rằng, việc dịch chuyển hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam đã góp phần thúc đẩy lĩnh vực sản xuất gia công của Việt Nam. Nó đã giúp thu hút 252 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và chiếm khoảng 60% tổng số vốn FDI đổ vào các nước Đông Nam Á.

Chưa kể, các nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới đều lựa chọn Việt Nam bởi lực lượng lao động có tay nghề cao, cơ sở hạ tầng được phát triển tốt. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và Chính phủ Việt Nam khuyến khích sự hội nhập này.

Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch tuần vừa qua cũng nhận định, nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài mạnh, tiền đồng của Việt Nam mất giá rất ít, chỉ 2% trong 6 tháng qua và là đồng tiền hoạt động hiệu quả thứ 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

"Một lần nữa, tôi đánh giá tích cực rằng chính phủ Việt Nam có quan điểm và chính sách phù hợp để duy trì lạm phát trong tầm kiểm soát", ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhận xét.

Từ những kết quả trên, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tăng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam ở mức 6,5% trong năm nay và 6,7% vào năm 2023.

Có thể bạn quan tâm