Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành động tập trận ở Hoàng Sa trong tương lai.
Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 2/7, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc tiến hành tập trận tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.

“Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại vi phạm tương tự trong tương lai”, bà Thu Hằng nhấn mạnh.

Trước đó có một số thông tin cho biết, Trung Quốc đã tiến hành tập trận ở phía Bắc quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm đóng trái phép. Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 1-5/7.

Cũng tại buổi họp báo, khi được hỏi về thông tin tàu thăm dò Hải dương 4 của Trung Quốc đi vào Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

"Các hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) phải được sự đồng ý của Việt Nam theo đúng quy định công ước này".

Theo bà Thu Hằng, việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia và các quy định của UNCLOS có ý nghĩa quan trọng đối với duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, trong khu vực cũng như trên thế giới.

Liên quan tới báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2019 đã không phản ánh khách quan, chính xác về tình hình và những nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam”.

Bà Thu Hằng khẳng định Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép và mua bán người và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách, pháp luật nhằm thực hiện chủ trương này.

Mới đây nhất, ngày 20/03/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp an toàn và trật tự của Liên Hợp Quốc, trong đó đề ra các giải pháp toàn diện và bao trùm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư. Hiện nay, Việt Nam đang rà soát, nghiên cứu xây dựng Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả nạn nhân bị mua bán.

“Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Mỹ, để tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác phòng, chống loại hình tội phạm này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...