Việt Nam sẽ dồn lực cho 'tam mã' kéo cỗ xe tăng trưởng

Phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương vào sáng nay, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả "ba con ngựa kéo" để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.
Việt Nam sẽ dồn lực cho 'tam mã' kéo cỗ xe tăng trưởng

Theo Thủ tướng, việc sớm ngăn chặn được dịch bệnh tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Thế giới đánh giá cao thành quả phòng, chống dịch bệnh của nước ta. Đây là thành công lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Tuy vậy, đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta trong quý II, nhất là tháng 4 và 5. Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Hội nghị quán triệt phương châm quyết liệt phục hồi tăng trưởng, tận dụng tốt cơ hội do kiểm soát sớm dịch bệnh.

“Một tinh thần chỉ đạo kiên quyết không để COVID-19 quay lại nước ta nhưng đồng thời chúng ta phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng”, Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhất là những đối tác lớn, quan trọng của nước ta. Những ngày gần đây dịch lan rộng và chưa dự báo được thời điểm kết thúc. OECD đưa ra 2 kịch bản: Nếu đại dịch bùng phát lần hai, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm gần 8%, còn nếu tránh được dịch bùng phát lần hai thì giảm khoảng 6%.

Nhìn nhận tình hình còn rất khó khăn, Thủ tướng đặt vấn đề, trong bối cảnh ấy chúng ta phải làm gì để bước vào trạng thái bình thường mới, đòi hỏi chúng ta phải có cơ chế, chính sách, giải pháp đặc biệt.

Nhắc lại “mục tiêu kép”, không để dịch bệnh trở lại, xóa đi thành quả mà chúng ta đã phấn đấu, không vì kinh tế mà dễ dãi để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, hợp tác, quyết tâm vượt lên khó khăn, sáng tạo, sát sao trong chỉ đạo điều hành.

Thủ tướng cũng cho rằng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như "cỗ xe tam mã", gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Và cỗ máy này tăng trưởng đúng mục tiêu, chúng ta phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả "ba con ngựa kéo" để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.

“Trong khó khăn của thế giới và trong nước, một lần nữa chúng ta cần khẳng định rõ phải duy trì ổn định vĩ mô để nâng cao uy tín chỉ đạo điều hành, củng cố niềm tin của người dân, của doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho ổn định và phát triển kinh tế-xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội nghị này, Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương, các ngành phản ánh, thảo luận việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11, Nghị quyết số 42 và đặc biệt Quyết định số 15 của Thủ tướng khi ông được biết có nhiều vướng mắc, doanh nghiệp không vay được tiền, một số đối tượng không được hỗ trợ.

Trong đại dịch, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã được thể hiện rõ: Nắm chắc tình hình, quyết liệt, sáng tạo. Thủ tướng Chính phủ đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, nắm chắc tình hình, quyết liệt, sáng tạo trong điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. 

ĐIều đó giúp Việt Nam nổi lên như một điểm sáng phòng chống đại dịch thành công và trở thành quốc gia thu hút đầu tư an toàn và hấp dẫn hơn. Trong thời gian tới, trước tình hình diễn biến dịch còn phức tạp, Việt Nam sẽ tiếp tục hành động quyết liệt hơn nữa để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.

Tại hội nghị, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu cụ thể 14 chỉ đạo, điều hành trọng tâm, nổi bật của Chính phủ trong thời điểm đại dịch. Cụ thể: 

1. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng phòng, chống đại dịch thành công; quan tâm chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân.

2. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thể hiện tính ưu việt và nhân văn sâu sắc của chế độ ta.

3. Hoàn thiện khung khổ pháp luật, tháo gỡ rào cản, giải phóng mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

4. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tranh thủ thời cơ, phục hồi và phát triển nền kinh tế.

5. Coi nông nghiệp là thế mạnh, với vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống.

6. Cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp, phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đa dạng hóa, không để phụ thuộc vào một thị trường.

7. Chủ động cơ cấu lại thị trường khách du lịch, thúc đẩy du lịch nội địa phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

8. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và từng vùng kinh tế trọng điểm đáp ứng các yêu cầu phát triển mới.

9. Coi trọng giá trị văn hóa truyền thống và giá trị con người Việt Nam.

10. Bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo; nâng cao năng lực khoa học và công nghệ.

11. Coi bảo vệ môi trường là nền tảng phát triển bền vững.

12. Thúc đẩy mạnh mẽ Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số gắn với cải cách thủ tục hành chính.

13. Tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động, sáng tạo thúc đẩy hợp tác quốc tế.

14. Thông tin, truyền thông lan tỏa năng lượng tích cực trong cuộc sống, tạo đồng thuận xã hội

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm