Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022.
Cụ thể, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2022 đạt 16.527 tỷ đồng. Sau khi trừ khoản điều chỉnh do thay đổi lợi nhuận năm trước là 86,1 tỷ đồng, lợi nhuận phân phối của ngân hàng là 16.441 tỷ đồng.
Trong đó, VietinBank dự kiến chi 11.647 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, ngân hàng dùng 822 tỷ đồng để trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và trích quỹ dự phòng tài chính 1.644 tỷ đồng.
Còn lại 2.327 tỷ đồng, ngân hàng dự kiến dùng để khen thưởng cho nhân viên. Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng số cán bộ, công nhân viên của VietinBank là 24.642 người. Như vậy, ước tính mỗi nhân viên của ngân hàng này sẽ nhận được gần 95 triệu đồng từ quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Về hoạt động kinh doanh quý 4/2023, VietinBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 14.572 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.553 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 31,5% xuống còn 763,3 tỷ đồng.
Ngược lại, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 82,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ quý 4/2022 lỗ 32,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ 157,9 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động dịch vụ đạt 1.756 tỷ đồng, giảm 6,1% so với cùng kỳ quý 4/2022. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 13,3% còn 4.472 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí hoạt động khác tăng gấp 39,2 lần lên hơn 469,3 tỷ đồng.
Kết quả, trong quý cuối cùng của năm 2024, VietinBank báo lãi trước thuế đạt 7.698 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 6.143 tỷ đồng, đồng loạt tăng 43,4% so với quý 4/2022.
Lũy kế cả năm 2023, VietinBank mang về 25.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 18,5% lên mức 20.133 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 12/2023, tổng tài sản của VietinBank đạt mức hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dư nợ cho vay khách hàng tăng 16% lên mức hơn 1,4 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng cũng đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 13% so với năm 2022.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng nợ xấu của BIDV ở mức 16.608 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
Về cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đạt mức hơn 2.508 tỷ đồng, giảm 65,7% so với cùng kỳ. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gấp đôi lên 4.721 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đạt 9.378 tỷ đồng, tăng 49,9% so với thời điểm cuối năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 24/2, cổ phiếu CTG đóng cửa ở mức 35.200 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá của ngân hàng trên thị trường đạt khoảng 189.023 tỷ đồng.