Thoả thuận này bao gồm các điều khoản về chuyến bay liên danh và chuyển dặm bay thưởng tích luỹ giữa hai hãng. Ngoài ra, JAL cũng có thể cùng vận hành các đường bay mà Vietjet có kế hoạch ra mắt trong năm nay giữa Việt Nam và Nhật. Những chặng đến Việt Nam có thể là các điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc.
Năm 2016, Vietjet đang nắm 41,5% thị phần hàng không nội địa tại Việt Nam, chỉ đứng sau Vietnam Airlines với 42,5% thị phần. Hãng hàng không giá rẻ này thậm chí được dự đoán có thể vượt Vietnam Airlines trong năm 2017. Thách thức lớn nhất với Vietjet thời điểm hiện tại là việc phát triển ở thị trường quốc tế. Vietjet hy vọng có thể nâng gấp đôi tỷ lệ doanh thu từ những đường bay quốc tế lên mức 40% trong vài năm tới.
JAL đã chấm dứt việc hợp tác với Vietnam Airlines vào mùa thu năm ngoái sau khi All Nippon Airways – công ty mẹ của ANA Holdings (đối thủ của JAL) đã mua gần 9% cổ phần tại Vietnam Airlines với giá 106 triệu USD.
Dịch vụ của Vietnam Airlines đã được cải thiện nhiều kể từ khi hãng này hợp tác cùng ANA và cũng đã có nhiều chuyến bay hơn giữa Nhật Bản và Việt Nam. Cả 2 hãng cũng đã trao đổi nguồn nhân lực và kinh nghiệm cũng như ra mắt các mẫu máy bay mới trong những hành trình này.
Vietjet cũng đang kỳ vọng có thể xây dựng được mối quan hệ với một đối tác mạnh như vậy để giúp họ cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, với thoả thuận này, Japan Airlines cũng đặt mục tiêu giành lại chỗ đứng trên thị trường du lịch đang phát triển tại Đông Nam Á.