Để bán lẻ hàng không đạt 30-40% doanh thu của các sân bay

Theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ có cơ hội để hiện thực hoá mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu thương mại bán lẻ hàng không lên mức 30 - 40% doanh thu của các sân bay...

Để bán lẻ hàng không đạt 30-40% doanh thu của các sân bay

Báo cáo của Hội đồng Sân bay quốc tế thế giới (Airports Council International - ACI World) tại Diễn đàn thương mại bán lẻ hàng không hàng đầu thế giới (The Trinity Forum) tổ chức tại TPHCM mới đây cho biết, năm 2023 doanh thu thương mại bán lẻ (phi hàng không) chiếm khoảng 30-40% tổng doanh thu của các sân bay trên toàn cầu.

Đánh giá về dư địa tăng trưởng của ngành bán lẻ hàng không trên toàn cầu, ông Xavier Rossinyol, CEO Tập đoàn toàn cầu Avolta chỉ ra rằng, vào năm 2019 khi dịch COVID-19 xuất hiện, nhiều đơn vị kinh doanh trong ngành thương mại bán lẻ hàng không đã rút khỏi thị trường vì hầu hết các hoạt động bị đứt gãy. Nhưng đến nay, mọi thứ đã quay trở lại và phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng tích cực.

"Tôi không nói về việc tăng trưởng với một vài nhà hàng ẩm thực hay một vài cửa hàng mua sắm, hay tăng trưởng doanh thu 1-2% ở các sân bay vì điều đó quá bình thường. Ngành thương mại bán lẻ hàng không sẽ tăng trưởng đều, và phải tăng trưởng gấp đôi, gấp ba mới xứng đáng. Đây là giai đoạn, cơ hội, là thời điểm nếu chúng ta không chớp lấy cơ hội này thì rất phí. Để đón lấy cơ hội phải triển khai nhanh và nhanh hơn, có những bước đi mới", ông Xavier Rossinyol nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, tại Việt Nam, doanh thu từ các dịch vụ phi hàng không của ACV trong năm 2023 đạt khoảng 3.686 tỷ đồng, chiếm khoảng 18,83% tổng doanh thu. Đây là mức doanh thu khá khiêm tốn so với các sân bay trên thế giới, cho thấy tiềm năng hay dư địa tăng trưởng của lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tại sân bay ở Việt Nam còn rất lớn.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, mặc dù được Chính phủ đầu tư mạnh về hạ tầng cảng, giao thông, du lịch cũng như nguồn nhân lực…, và là một trong số những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, tuy nhiên Việt Nam lại có tỉ lệ phục hồi du lịch thấp so với các nước.

Hiện các sân bay đang dựa quá nhiều vào doanh thu hàng không. Điều này có thể dẫn đến sự không ổn định về tài chính trong khi các nguồn doanh thu phi hàng không đem lại doanh thu đa dạng và ổn định. Xu hướng các cảng hàng không trên thế giới đang dịch chuyển, phát triển mạnh mẽ dịch vụ phi hàng không, đặc biệt sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Không chỉ đem lại lợi nhuận bền vững, dịch vụ thương mại phi hàng không còn giúp nâng cao trải nghiệm của hành khách. Khi có nhiều lựa chọn, hành khách sẽ cảm thấy thoải mái hơn và thường có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Điều này không chỉ tạo ra môi trường thuận lợi mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương bằng cách tạo ra nhiều cơ hội việc làm.

Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động phi hàng không còn có thể được tái đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng sân bay, từ đó tiếp tục cải thiện dịch vụ và khả năng phục vụ hành khách.

Riêng với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, bà Kim Ngân cho biết, năm 2015, doanh thu dịch vụ phi hàng không chiếm khoảng hơn 18% và đã tăng lên khoảng 25% từ năm 2018 đến nay. Tuy nhiên dư địa để tăng trưởng vẫn còn rất lớn.

LINH HOẠT TRẢI NGHIỆM CỦA KHÁCH HÀNG

Vậy làm sao để ngành thương mại bán lẻ hàng không tăng trưởng gấp đôi, gấp ba như các chuyên gia nhận định?

Chia sẻ về việc thay đổi mô hình thương mại phi hàng không tại các sân bay Ấn Độ, ông Rahul Sahni, Trưởng phòng Thương mại phi hàng không, Sân bay quốc tế Navi Mumbai cho biết, khi nhà ga Navi Mumbai được xây dựng, dựa trên nhiều dữ liệu, trong đó có cả nghiên cứu nhu cầu và luồng đi của khách hàng để bố trí các gian hàng mua sắm, nhà hàng để giúp khách hàng với thời gian ít nhất nhưng lại sử dụng các dịch vụ nhiều nhất, hiệu quả nhất khi ở sân bay.

"Chúng tôi thấy thời gian di chuyển của khách hàng ở khu vực kiểm tra an ninh là chậm nhất, nên chúng tôi ưu tiên các gian hàng với các sản phẩm mang tính nội địa. Sau đó đến khu nhà hàng, ẩm thực nội địa. Thậm chí, chúng tôi phân chia các khu vực khuyến khích thế hệ trẻ, thế hệ Gen Z với những sản phẩm thủ công và thưởng thức những sản phẩm nội địa. Chúng tôi đặt các cửa hàng mua sắm ở ngay cửa khu vực lên máy bay, để khách hàng có thể trải nghiệm ngay khi sắp lên máy bay", ông Rahul Sahni chia sẻ.

Theo ông Rahul Sahni, ngoài thiết kế các gian hàng phù hợp, khi khách hàng đã tải app của sân bay thì phải có nhiều dịch vụ hữu ích khác, như: Tự động gợi ý cho khách hàng lựa chọn lối đi ngắn nhất lên máy bay, khu vực nào đang sale đồ, nhà hàng vừa có thực đơn mới… Thậm chí khách hàng xem trên app còn biết được hành lý của mình đang nằm ở đâu.

Đồng quan điểm, ông Prashant Gaurav Gupta, Giám đốc Thương mại, Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư nhân Sân bay quốc tế Yamuna (Ấn Độ) cho hay, để hoạt động bán lẻ hàng không tăng trưởng mạnh mẽ, cần làm tốt việc nắm bắt thị hiếu của nhóm khách hàng mới nổi để có những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu. Chẳng hạn, với xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cần có cả thực tế ảo để khách hàng trải nghiệm và thoả thích mua sắm trong không gian ấy.

Ông Prashant Gaurav Gupta cũng chia sẻ, sau khi nghiên cứu cho thấy "khẩu vị" của khách hàng 3 năm lại thay đổi một lần, nên khi thiết kế khu vực mua sắm, ẩm thực, giải trí… cũng cần linh hoạt để có thể tuỳ chỉnh được. Thậm chí, 3 tháng có thể phải thay đổi để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng về trải nghiệm của khách hàng.

Ngoài ra, các sản phẩm dịch vụ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, xanh, sạch… là một yếu tố quan trọng. Nên thiết kế và quy hoạch sân bay phải đáp ứng hướng này để gia tăng doanh số dịch vụ phi hàng không.

Với Việt Nam, hòa nhập vào xu hướng phát triển thế giới, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết ACV cũng chú trọng vào việc phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ phi hàng không để đẩy mạnh tăng trưởng. Do vậy, các sân bay đã đầu tư vào việc mở rộng và nâng cao dịch vụ thương mại, từ cửa hàng miễn thuế đến nhà hàng và dịch vụ giải trí, nhằm tăng cường trải nghiệm hành khách và tối đa hóa doanh thu.

Tại các sân bay hiện không còn chỉ tập trung vào các dịch vụ cơ bản mà đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như: Giải trí, sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp, cũng như các tiện ích cho doanh nhân (phòng khách thương gia)... Điều này đáp ứng nhu cầu đa dạng của hành khách, đặc biệt là những người có thời gian chờ đợi lâu.

"Chúng tôi cũng áp dụng công nghệ số, từ ứng dụng di động đến thanh toán điện tử, đã giúp hành khách dễ dàng truy cập và tận hưởng các dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Mặt khác, ACV cũng rất chú trọng đến các vấn đề như giảm thiểu tác động môi trường từ hoạt động thương mại. Điều này không chỉ thu hút những hành khách có ý thức về môi trường mà còn tạo dựng hình ảnh tốt cho sân bay", bà Ngân nói.

Cùng với đó, bà Ngân cho rằng, trước tiên, điều kiện cần, để thương mại bán lẻ hàng không phát triển là phải mở rộng nguồn hành khách. Do đó, rất cần những chính sách mạnh mẽ, như: Chính sách visa hấp dẫn hơn; đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam hơn nữa; các giải pháp công nghệ số trong quản lý và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, du khách…

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Tổng giám đốc ACV, dự kiến trong giai đoạn 2021-2030, ACV sẽ đầu tư 16 tỷ USD vào các dự án quan trọng như Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga hành khách quốc tế T2 Nội Bài…. Mục tiêu đến năm 2030, ACV sẽ phục vụ khoảng 283 triệu hành khách/năm. Cùng với nhiều giải pháp khác, ông Hùng kỳ vọng, tỉ trọng doanh thu dịch vụ kinh doanh phi hàng không tại các sân bay của Việt Nam sẽ nâng lên mức 30-40% tổng doanh thu, góp phần vào phát triển kinh tế đất nước.

baochinhphu.vn

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng thế giới vẫn tăng mạnh dù đồng USD leo thang, trong nước, vàng miếng SJC thêm nửa triệu đồng/lượng ở cả chiều mua - bán...