
Chiều 15/5, Vietnam Airlines tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2025, thông qua phương án chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ của Vietnam Airlines. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư tàu bay thân hẹp; thông qua phương án lựa chọn công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho các năm tài chính giai đoạn 2025-2027.
Cụ thể, Vietnam Airlines đề xuất phương án chào bán thêm 900 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị dự kiến đạt 9.000 tỷ đồng, số tiền này sẽ được ưu tiên trả nợ nhà cung cấp, nợ vay ngắn hạn, dài hạn và một phần nợ tái cấp vốn
Vietnam Airlines sẽ tiến hành chào bán trong 6 tháng cuối năm 2025, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Đại hội đồng cổ đông cũng thông qua kế hoạch đầu tư 50 tàu bay thân hẹp thế hệ mới nhằm thực hiện chiến lược phát triển đội bay đến năm 2035, tầm nhìn 2040. Sau khi tạm hoãn kế hoạch giai đoạn 2021–2025 do đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines tái khởi động dự án như một phần trong Đề án phục hồi và phát triển bền vững.
Loại tàu bay lựa chọn thuộc dòng A320Neo và B737Max với quy mô đầu tư hơn 3,5 tỷ USD, triển khai nhận bàn giao từ 2030 đến 2032. Vietnam Airlines sẽ mua mới hoàn toàn từ nhà sản xuất để đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả vận hành.
Với tổng vốn vay gần 1,9 tỷ USD và phần còn lại là vốn đối ứng, dự án dự kiến mang lại hiệu quả tài chính tích cực thời gian hoàn vốn gần 13 năm. Dự án hiện đang được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định 110 và được Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương thực hiện không cần bảo lãnh Chính phủ.
Đồng thời đại hội bầu Thành viên Hội đồng quản trị mới, ông Hidekazu Izome đã trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu là 99,9%.
Phiên thảo luận
Cổ phiếu Vietnam Airlines đang nằm trong diện kiểm soát, vậy bao giờ cổ phiếu sẽ thoát khỏi tình trạng này?
Ông Trần Văn Hữu, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, thời gian qua, Vietnam Airlines đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp để cải thiện sức khỏe tài chính, trong đó trọng tâm là nỗ lực cắt giảm thua lỗ và tối ưu hoá hoạt động doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh năm 2024 được ghi nhận ở mức tốt khả quan, cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực sau giai đoạn khó khăn kéo dài.
Ông Hữu cho biết, Vietnam Airlines đang triển khai kế hoạch dài hạn nhằm giảm tỷ lệ nợ và sử dụng đòn bẩy tài chính một cách hiệu quả. Mục tiêu là tối ưu hóa cả doanh thu lẫn chi phí vận hành.
Dự báo cho năm 2025, lãnh đạo công ty tỏ ra lạc quan khi cho rằng lợi nhuận sẽ khởi sắc mạnh mẽ, đi cùng với tốc độ tăng trưởng tốt. Với lộ trình tài chính được đánh giá là “rất rõ ràng và tích cực”, ông Hữu tin rằng cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ sớm thoát khỏi diện kiểm soát.
Ban lãnh đạo tóm tắt lại chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư tàu bay và lộ trình thực hiện?
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết, hiện tại, tình trạng cung ứng máy bay mới đang trong tình trạng khan hiếm toàn cầu. Nếu đặt hàng từ Boeing ở thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines phải chờ tới năm 2030 mới có thể nhận được máy bay. Trong khi đó, với Airbus, thời gian giao hàng còn kéo dài hơn, dự kiến đến năm 2032.
Theo phân tích từ các nhà sản xuất lớn như Boeing và Airbus, riêng thị trường Việt Nam trong tương lai gần sẽ cần tới khoảng 1.000 chiếc máy bay các loại để đáp ứng tốc độ tăng trưởng hiện tại. Trong bối cảnh đó, kế hoạch mua sắm 50 máy bay thân hẹp của Vietnam Airlines mới chỉ là bước khởi đầu nhằm phục vụ nhu cầu cơ bản.

“Rất nhiều ngân hàng sẵn sàng tài trợ 100% vốn vay để Vietnam Airlines thực hiện kế hoạch đầu tư đội tàu bay thân hẹp”, ông Hòa nhấn mạnh. Nếu theo đúng tiến độ, các máy bay dự kiến sẽ lần lượt được bàn giao vào năm 2030.
Dù vậy, hãng đang tích cực làm việc với các nhà sản xuất nhằm tìm kiếm cơ hội đẩy nhanh thời gian nhận máy bay sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Trong trường hợp không thể đẩy nhanh tiến độ giao hàng, Vietnam Airlines đã chuẩn bị phương án thuê tàu bay để kịp thời bổ sung đội bay.
Chính phủ đang thực hiện chủ trương tinh gọn, Vietnam Airlines đã thực hiện như thế nào?
Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Ngọc Hòa cho biết, Vietnam Airlines đã tiến hành cắt giảm sáu đầu mối cấp Tổng công ty và loại bỏ nhiều tầng lớp trung gian. Song song đó, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm thay thế các quy trình thủ công, tối ưu hóa hiệu suất lao động.
Một trong những kết quả rõ nét của quá trình này là lực lượng nhân sự đã giảm đáng kể. Trước đại dịch, Vietnam Airlines có hơn 7.000 lao động. Hiện tại, con số này chỉ còn khoảng 6.000 người. Dù số lượng nhân viên giảm, nhưng khối lượng công việc lại tăng, đòi hỏi đội ngũ hiện tại phải linh hoạt hơn, hiệu quả hơn và sẵn sàng thích nghi với áp lực mới trong giai đoạn phục hồi.
Việc tăng vốn sẽ khiến cổ phiếu bị pha loãng, điều này ảnh hưởng tới cổ đông nhỏ lẻ. Vậy Vietnam Airlines giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Văn Hữu, Kế toán trưởng Vietnam Airlines khẳng định rằng đợt phát hành sắp tới sẽ được thực hiện theo hình thức chào bán cổ phiếu theo quyền mua, căn cứ vào tỷ lệ sở hữu. Theo ông Hữu, cách làm này nhằm đảm bảo sự công bằng tuyệt đối, giúp cổ đông hiện hữu duy trì tỷ lệ sở hữu và không bị thiệt thòi.
Ngoài ra, ông cũng cho biết mức giá phát hành lần này sẽ được tính toán ở mức hợp lý để khuyến khích cổ đông tham gia mua thêm, đồng thời toàn bộ kế hoạch sử dụng dòng tiền huy động được sẽ được công bố công khai, minh bạch. "Chúng tôi cam kết minh bạch trong mọi khâu, từ phát hành đến sử dụng vốn", ông Hữu nhấn mạnh.
Có nhiều lo ngại về tình trạng một số động cơ máy bay của hãng gặp trục trặc, ảnh hưởng đến năng lực vận hành?
Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Ngọc Hòa cho biết, Vietnam Airlines đang tích cực làm việc với các hãng sản xuất động cơ nhằm tìm giải pháp sửa chữa và thay thế. "Chúng tôi đang yêu cầu các đối tác cung cấp linh kiện và thực hiện sửa chữa sớm nhất có thể để đưa đội bay về trạng thái hoạt động bình thường", ông Hòa chia sẻ.
Chủ tịch Hoà cho biết Vietnam Airlines đang làm việc với các hãng động cơ để họ cung cấp, sửa chữa động cơ để các máy bay có vấn đề về động cơ sẽ được hoạt động.
Chiến lược thoái vốn tại sân bay Long Thành?
Về câu hỏi chiến lược thoái vốn tại sân bay Long Thành, quá trình thoái vốn được thực hiện một cách có lộ trình, thận trọng và tuân thủ định hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp cũng như chỉ đạo từ cơ quan chủ quản.
"Chúng tôi không thoái vốn bằng mọi giá. Mục tiêu là tái cơ cấu danh mục đầu tư hiệu quả hơn, đồng thời vẫn bám sát chủ trương phát triển dịch vụ hàng không của nhà nước", ông Hòa nói.