Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách đạt 131,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9%

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4 được các Bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 19% kế hoạch. Vốn FDI đăng ký mới ước đạt 4,11 tỷ USD...
vốn đầu tư

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố sáng ngày 29/4, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2023 ước đạt gần 39,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm vốn Trung ương quản lý đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1%; vốn địa phương quản lý 31,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,9%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 131,2 nghìn tỷ đồng, bằng 19% kế hoạch năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 18,5% và tăng 10,8%).

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 24,6 nghìn tỷ đồng, bằng 18,5% kế hoạch năm và tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt 106,6 nghìn tỷ đồng, bằng 19,1% kế hoạch năm và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 72,6 nghìn tỷ đồng, bằng 18% và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 29,6 nghìn tỷ đồng, bằng 21,7% và tăng 12%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, bằng 24,2% và giảm 0,4%.

Về nguồn vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2023 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2023 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,88 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký cấp mới có 750 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 4,11 tỷ USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 11,1% về số vốn đăng ký.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 3,34 tỷ USD, chiếm 81,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 386,3 triệu USD, chiếm 9,4%; các ngành còn lại đạt 380 triệu USD, chiếm 9,3%.

Trong số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,52 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 526,2 triệu USD, chiếm 12,8%; Hồng Kông 496 triệu USD, chiếm 12,1%; Đài Loan 328,2 triệu USD, chiếm 8%; Nhật Bản 253 triệu USD, chiếm 6,2%;  

Vốn đăng ký điều chỉnh có 386 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 1,66 tỷ USD, giảm 68,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,5 tỷ USD, chiếm 78,1% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 450,6 triệu USD, chiếm 7,8%; các ngành còn lại đạt 814,6 triệu USD, chiếm 14,1%.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.044 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,11 tỷ USD, tăng 70,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 461 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,08 tỷ USD và 583 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,03 tỷ USD.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 1,51 tỷ USD, chiếm 48,5% giá trị góp vốn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 635,8 triệu USD, chiếm 20,4%; ngành còn lại 966,7 triệu USD, chiếm 31%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,85 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 80,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 446,7 triệu USD, chiếm 7,6%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 303,3 triệu USD, chiếm 5,2%.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2023 có 41 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 140 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước; có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 13,5 triệu USD, giảm 67,8% so với cùng kỳ.

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 153,5 triệu USD, giảm 53,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Lĩnh vực thông tin và truyền thông đạt 105,9 triệu USD, chiếm 69% tổng vốn đầu tư; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 13,2 triệu USD, chiếm 8,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 10,7 triệu USD, chiếm 7%.

Trong 4 tháng đầu năm 2023 có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Singapore là nước dẫn đầu với 103,3 triệu USD, chiếm 67,3% tổng vốn đầu tư; Lào 14,3 triệu USD, chiếm 9,3%; Ô-xtrây-li-a 10,2 triệu USD, chiếm 6,6%; Cuba 9,3 triệu USD, chiếm 6,1%; I-xa-ren 6,1 triệu USD, chiếm 4%.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm