Tháng 4/2023: CPI giảm nhẹ, tổng mức bán lẻ tiếp tục tăng

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 4 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm nhẹ, còn tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục tăng…
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào, học phí tại một số địa phương được điều chỉnh theo Nghị quyết số 165/NQ-CP là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 giảm 0,34% so với tháng trước. So với tháng 12/2022 CPI tăng 0,39% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,81%.

Tuy nhiên, bình quân 4 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 4,9%.

Trong mức giảm 0,34% của CPI tháng 4/2023 so với tháng trước, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 4 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.

Bảy nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm nhóm giáo dục vẫn có mức giảm mạnh nhất với 1,3%; tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,83%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,45%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,38%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,14%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,08% và nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,08%.

Còn bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm nhóm giao thông tăng 0,43%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,35%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhẹ 0,02%.

Về lạm phát cơ bản  tháng 4/2023 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%). 

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 4 tháng đầu năm 2023 giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 6,73% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Đối với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 109,4%.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 510,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.007,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7% so với 4 tháng đầu năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch Covid-19).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.581,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,4%).

Xét về địa phương, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau Bình Định tăng 14,7%; Đồng Nai tăng 12,9%; Bình Dương tăng 12,2%; Cần Thơ và Thanh Hóa cùng tăng 11,4%; Hải Phòng tăng 10,0%; Quảng Ninh tăng 9,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,1%; Hà Nội tăng 9%; Đà Nẵng tăng 7,2%.

Về doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 214,8 nghìn tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần cùng kỳ năm trước do các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi.

Cuối cùng, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 202 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm