Sáng 15/7, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố tờ trình lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo đó, Hội đồng quản trị ngân hàng đề xuất phát hành thêm hơn 1,975 tỷ cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ gần 25.300 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng.
Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành này tương đương mức chia cổ phiếu (cổ tức và cổ phiếu thưởng) cho cổ đông hiện hữu khoảng 80%; trong đó tỷ lệ phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là 62,15%, tỷ lệ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu là 17,85%. Thời điểm thực hiện dự kiến vào quý 3 hoặc quý 4 năm nay.
Nguồn vốn sử dụng để tăng vốn điều lệ lần này đến từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và các quỹ đầu tư, dự trữ. Trong số đó, nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ đầu tư phát triển của VPBank lũy kế đến ngày 31/12/2020 đạt khoảng 19.511 tỷ đồng và nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ khoảng 808 tỷ đồng.
Tờ trình của Hội đồng quản trị VPBank nêu rõ, theo quy định của pháp luật, một số chỉ số về an toàn vốn và an toàn hoạt động của ngân hàng được tính dựa trên vốn điều lệ. Tuy nhiên, hiện một vài chỉ số của VPBank đang ở mức giới hạn cao, chưa tận dụng được tối ưu các cơ hội mới phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Việc tăng vốn nhằm nâng cao năng lực kinh doanh và đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, động thái này của VPBank còn chính thức ghi nhận nguồn vốn điều lệ, tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng và cải thiện các chỉ số an toàn vốn và an toàn hoạt động khác.
Nếu phương án này được thông qua, VPBank sẽ trở thành ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất toàn ngành ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại.