WHO cảnh báo châu Âu có thể trở thành “tâm chấn Covid-19” một lần nữa

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo châu Âu về nguy cơ gia tăng Covid-19 trong mùa đông sắp tới.
WHO cảnh báo châu Âu có thể trở thành “tâm chấn Covid-19” một lần nữa

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo châu Âu về nguy cơ phải đối mặt với một mùa đông đầy rủi ro vì Covid-19, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự gia tăng ca bệnh và chậm trễ trong tiêm chủng tại nhièu quốc gia tại châu lục này. 

Phần lớn châu Âu đang phải chiến đấu với sự gia tăng của các ca nhiễm bệnh mới, với Đức vào 4/11 báo cáo số ca mắc mới hàng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Và trong một cảnh báo mới, Giám đốc khu vực của WHO, Hans Kluge cho biết: "Theo một dự báo đáng tin cậy, nếu chúng ta tiếp tục đi theo quỹ đạo này thì châu Âu và Trung Á có thể chứng kiến nửa triệu ca tử vong do Covid-19 vào đầu tháng 2 năm sau”.

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã khiến việc nới lỏng các hạn chế ở nhiều quốc gia trở nên khó khăn hơn. Trong đó, khu vực Đông Âu bị ảnh hưởng nặng nề; các ca nhiễm đang ở mức kỷ lục tại Nga và nay là Đức, trong khi thủ đô Kiev của Ukraine đã buộc phải đưa ra những hạn chế mới nghiêm ngặt hơn vào đầu tuần qua. 

WHO cảnh báo châu Âu có thể trở thành “tâm chấn Covid-19” một lần nữa ảnh 1

Trong bản cập nhật hàng tuần mới nhất, WHO cho biết châu Âu đã ghi nhận mức tăng 6% số ca bệnh trong tuần trước. Đó là mức cao nhất so với bất kỳ khu vực toàn cầu nào, với mọi khu vực khác đều ghi nhận "xu hướng giảm hoặc ổn định".

Ông Kluge nhận xét: “Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng khác của đại dịch. Hai yếu tố gây ra làn sóng mới là việc nới lỏng các biện pháp Covid-19, và thiếu phạm vi tiêm chủng ở vùng Balkan và phía đông lục địa.”

“Tỷ lệ nhập viện ở những nước có mức tiêm chủng thấp cao hơn rõ rệt và tăng nhanh hơn so với những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.”

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn hôm 3/11 cảnh báo rằng cần có các biện pháp nghiêm khắc hơn đối với những người từ chối tiêm chủng. Ông Spahn cũng nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo rằng trong thời gian diễn ra G20 tại Rome (Ý) ông đã được yêu cầu trình chứng nhận tiêm chủng trong 1 ngày còn thường xuyên hơn so với ở Đức trong bốn tuần.

Tại Đức, 33.949 trường hợp mới được ghi nhận vào ngày 4/11, phá vỡ kỷ lục trước đó vào tháng 12/2020. Số ca nhập viện và tử vong vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh dịch chưa có vaccine. 

Ông Spahn nhấn mạnh Đức đang trải qua một đại dịch "lớn" vì chưa phủ được độ tiêm chủng cao, và nói thêm rằng: "Sự thật là sẽ có ít bệnh nhân Covid-19 hơn trong các khu chăm sóc đặc biệt nếu tất cả mọi người được tiêm chủng."

Vương quốc Anh cũng đã phải chứng kiến một loạt các ca nhiễm bệnh mới kể từ cuối mùa hè, nhưng lại không thực hiện các biện pháp bắt buộc như đeo khẩu trang hoặc xuất trình thẻ tiêm vaccine - những biện pháp đang dần trở nên phổ biến trên khắp châu Âu.

Thế giới đã vượt qua cột mốc 5 triệu người tử vong vì Covid-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch - một dấu mốc mà Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres gọi là "một cột mốc đau đớn."

Có thể bạn quan tâm