Đối với phương án thứ nhất, xây dựng cảng Liên Chiểu, hoạt động song song cùng với cảng Tiên Sa, cảng Liên Chiểu sẽ có chức năng là cảng chính cho hàng hóa và logistics, với chiều dài bến 3.740m. Cảng Tiên Sa bổ sung cho cảng Liên Chiểu trong hoạt động logistics, đồng thời có chức năng chủ yếu phục vụ cho du lịch.
Tuy vậy, theo đơn vị tư vấn, việc xây dựng cảng Liên Chiểu rất có thể sẽ tạo ra nguy cơ cao hủy hoại môi trường sinh thái vịnh Đà Nẵng bởi hai luồng tàu ra vào các cảng, nạo vét luồng tàu nối thông 2 cảng sẽ ảnh hưởng cảnh quan vùng vịnh, cản trở tầm nhìn vào thành phố.
Bên cạnh đó, cần tính đến sự cần thiết hình thành cùng lúc hai cảng hay không, với thực tế là nền tảng về công nghiệp sản xuất của cả Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam và các tỉnh thành lân cận hiện đang rất mỏng; ngoài ra, Huế và Quảng Nam cũng đã có cảng riêng. Vịnh Đà Nẵng là tài nguyên, là cơ hội lớn để phát triển trong tương lai, cần được gìn giữ, bảo đảm môi trường bền vững, phục vụ phát triển du lịch thành phố.
Với phương án chỉ mở rộng cảng Tiên Sa, đơn vị tư vấn cho rằng, cảng Tiên Sa còn nhiều tiềm năng để mở rộng, với khả năng xây dựng chiều dài cầu tàu lên đến 5.800m, đáp ứng cả chức năng logistics và phục vụ du lịch.
Đồng thời, đơn vị tư vấn cũng đề xuất mở rộng Cụm logistics và Cụm hàng hải. Khi đó, Đà Nẵng có thể trở thành một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng Hành lang kinh tế Đông - Tây; liên kết với các trung tâm khu vực khác bao gồm: Thâm Quyến, Clark Air Base (Philipines), Hồng Kông và Singapore, biến cảng Đà Nẵng trở thành cảng dịch vụ quan trọng của Lào, một phần của miền Đông Thái Lan và phía Bắc Campuchia qua tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2. Theo định hướng này, Cảng Đà Nẵng sẽ phát triển trở thành cảng trung chuyển quốc tế của khu vực Đông Nam Á.
Để giải quyết bài toán giao thông cho phương án mở rộng cảng Tiên Sa, đơn vị tư vấn đề xuất giải tỏa để khơi thông Âu thuyền Thọ Quang nối qua sông Hàn; luồng tàu hàng vào Âu thuyền Thọ Quang qua sông Hàn đi ra dưới cầu Thuận Phước; kết nối giao thông cảng Tiên Sa vào cao tốc và đường sắt mới thông qua việc hình thành tuyến đường sắt và đường bộ trên cao đi vào khu vực đường Đống Đa nối vào Điện Biên Phủ. Phân luồng tàu du lịch đi bên ngoài, tiếp cận đến cồn Mân Quang là bến tàu du lịch; sử dụng cầu Thuận Phước và đường Nguyễn Tất Thành để lưu thông du lịch.