Năm 2024, ngành du lịch tiếp nối đà phục hồi mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch đạt 840 nghìn tỷ đồng. Ngành du lịch được Thủ tướng đánh giá là một điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2025 được kỳ vọng là thời điểm “bùng nổ” của dịch vụ du lịch cao cấp.
BÙNG NỔ DỊCH VỤ DU LỊCH CAO CẤP
Hoàn toàn trái ngược với những dự báo về việc người Việt Nam sẽ thắt chặt chi tiêu không thiết yếu trong năm 2024 thì năm 2025 lại được đánh giá là thời điểm khởi sắc của ngành du lịch khi nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng tăng cao. Nghiên cứu “New Luxe Landscapes - Emerging Luxury Travel Trends in Asia Pacific” của Marriott International thực hiện trên 1.200 du khách có giá trị tài sản ròng cao đến từ các quốc gia Úc, Singapore, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cho thấy, 68% du khách dự định lên kế hoạch chi tiêu cao hơn cho các kỳ nghỉ hạng sang trong 12 tháng tiếp theo.
Nghiên cứu cũng chỉ ra 74% du khách ưu tiên lựa chọn các điểm đến quốc tế nằm trong khu vực APAC cho các kỳ nghỉ ngắn 3 ngày và kỳ nghỉ dài 2 tuần. Trong đó, Úc, Nhật Bản, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan... trở thành các điểm đến hàng đầu được khách du lịch xa xỉ lựa chọn cho kỳ nghỉ kết hợp giữa giải trí và công tác (bleisure travel) khi có tới 73% lựa chọn loại hình du lịch kết hợp này.
Với 36% du khách hạng sang dự định tận hưởng kỳ nghỉ dưỡng ven biển, các thiên đường nghỉ dưỡng biển đảo tại Việt Nam hứa hẹn trở thành điểm đến lý tưởng thu hút giới nhà giàu trong năm 2025. Tại Việt Nam, tăng trưởng tầng lớp trung lưu ở các thành phố lớn trở thành động lực chính thúc đẩy nhu cầu trải nghiệm các dịch vụ hạng sang, bao gồm du lịch xa xỉ.
Nhận định về xu hướng du lịch cao cấp sẽ nhắm vào tầng lớp du khách “siêu giàu”, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tiên Phong Travel chia sẻ, đương nhiên, những người có điều kiện, có năng lực tài chính để có thể thoải mái sử dụng các dịch vụ cao cấp thì có thể gán cái mác “người siêu giàu”.
“Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó cũng có thể nói người có điều kiện kinh tế sẽ có khả năng dẫn dắt nhu cầu chung của xã hội, từ nhu cầu càng được nâng cao thì sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp sáng tạo các dịch vụ cao cấp, mới lạ, tăng tính trải nghiệm hơn cho người sử dụng dịch vụ. Mặt khác, chúng ta không bàn đến vấn đề phân biệt tầng lớp đối tượng khách hàng, nhưng chính những nhu cầu sử dụng dịch vụ được nâng lên ở mức cao cấp hơn, tất yếu sẽ kích thích sự sáng tạo của con người. Xã hội càng phát triển thì các dịch vụ sẽ phát triển để đáp ứng nhu cầu sử dụng”, ông Khánh đưa ra đánh giá.
Thay vì chi nhiều tiền cho kỳ nghỉ dài ngày, du khách nội địa và du khách nước ngoài đến Việt Nam đang có xu hướng tối ưu ngân sách cho chuyến đi ngắn ngày để tăng trải nghiệm “sang chảnh” trong bối cảnh chi phí sinh hoạt gia tăng. Báo cáo nghiên cứu từ Cimigo (đơn vị cung cấp các báo cáo nghiên cứu thị trường về các lĩnh vực thị trường và phân khúc người tiêu dùng tại Việt Nam) cho thấy, 64% sẵn sàng chi trả tổng chi phí lưu trú một đêm dưới 6.347.000 (khoảng 250 USD). Đặc biệt, khách sạn là loại hình lưu trú yêu thích nhất của nhóm du khách này, chiếm 88%; theo sau là các khu nghỉ dưỡng hạng sang hoặc khách sạn boutique (42%).
VIỆT NAM HỨA HẸN TRỞ THÀNH ĐIỂM ĐẾN LÝ TƯỞNG CỦA "GIỚI SIÊU GIÀU"
Một thực tế cho thấy, những năm gần đây, nhiều du khách nước ngoài thuộc tầng lớp thượng lưu, là các doanh nhân thành đạt, các tỷ phú đã lựa chọn Việt Nam như một điểm đến nghỉ dưỡng lý tưởng và tổ chức các sự kiện trọng đại. Số liệu thống kê từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 12/2024 đạt 1,74 triệu lượt, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung cả năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 17,5 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm trước.
Trong đó, đáng chú ý, thị trường tiềm năng Ấn Độ trong thời gian qua có sự tăng trưởng rất đáng kể, từ 138 nghìn lượt năm 2022 lên 392 nghìn lượt năm 2023, và đạt 501 nghìn lượt năm 2024, tăng 2,6 lần chỉ sau 2 năm và hiện nay xếp ở vị trí thứ 6 các thị trường gửi khách nhiều nhất đến Việt Nam. Có thể nói Ấn Độ là một trong những thị trường tăng trưởng ấn tượng nhất, góp phần đa dạng hóa thị trường nguồn của du lịch Việt Nam.
Mới đây, cặp đôi tỷ phú người Ấn độ Saloni Mitessh - Poojan Rajesh đã chọn vịnh Hạ Long, Quảng Ninh để tổ chức hôn lễ trên du thuyền kéo dài từ ngày 20-23/1, đám cưới quy tụ gần 600 khách mời mang quốc tịch Ấn Độ.
Trước đó, không ít đám cưới của giới siêu giàu Ấn Độ và nhiều quốc gia trên thế giới cũng được tổ chức tại vịnh Hạ Long. Nổi bật là đám cưới của cặp đôi Vivek Dinodiya và Anmol Garg diễn ra trong 3 ngày 16-18/2/2024. Đám cưới của cặp đôi mời khoảng 600 khách đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có các quan chức chính phủ Ấn Độ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam; các thương gia, chủ doanh nghiệp lớn tại Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Campuchia.
Những đám cưới của giới siêu giàu được tổ chức không chỉ là sự kiện trọng đại của các cặp đôi mà còn là cơ hội để quảng bá vẻ đẹp, giá trị thiên nhiên, văn hóa độc đáo của các di sản Việt Nam.
Nhìn bức tranh toàn cảnh ngành du lịch Việt Nam những năm về trước khó cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippine… Thời điểm đó, cái chúng ta đang thiếu là cơ sở vật chất, không đủ để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang trong một tâm thế khác hoàn toàn. Tất cả các vùng miền trong cả nước hầu như đều có thể tự tin đón tiếp khách du lịch trong và ngoài nước.
Các hãng truyền thông, tạp chí, chuyên trang quốc tế nhiều lần vinh danh du lịch Việt Nam, cho thấy sức hút mạnh mẽ của thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới: Phú Quốc nằm trong top 2 hòn đảo được yêu thích trên thế giới, Hội An lọt top 4 thành phố được yêu thích nhất thế giới, Quảng Bình là một trong những điểm đến đẹp nhất thế giới (Travel+Leisure); Hà Nội là thủ phủ ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới (Tripadvisor); 164 nhà hàng, quán ăn tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng được vinh danh (Michelin Guide Vietnam 2024); Phở Việt Nam xếp thứ 2 trong danh sách 20 món nước ngon nhất thế giới (CNN Travel); Việt Nam lọt top những điểm đến được yêu thích nhất trên thế giới (Condé Nast Traveler)…
Đặc biệt, trong bối cảnh một số thị trường chính phục hồi chậm, sự đa dạng hóa và phát triển của nhiều thị trường tiềm năng đã giúp ngành du lịch phục hồi ngoạn mục. Kết quả quan trọng này là động lực để toàn ngành du lịch Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025.
Theo Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu từng nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2025 được xác định là năm du lịch Việt Nam tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo nền tảng vững chắc góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, theo các chuyên gia, du lịch Việt Nam cần tiếp tục khơi thông nhiều điểm nghẽn và có những chính sách quyết liệt, đột phá hơn nữa.