Xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà chung cư

Bộ Xây dựng sẽ xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà chung cư. Đồng thời, sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua NQ đưa dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
Bộ Xây dựng sẽ xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà chung cư. (Ảnh: Int)
Bộ Xây dựng sẽ xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà chung cư. (Ảnh: Int)

Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Bình liên quan đến vấn đề quản lý, vận hành các chung cư.

Theo đó, cử tri đề nghị bộ này nghiên cứu trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Xây dựng liên quan đến các quy định về quản lý nhà chung cư, vì lượng số chung cư trên địa bàn các khu đô thị lớn, phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, ban quản trị và người dân.

Bộ Xây dựng cho biết, nhìn chung, các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư hiện nay đã tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hầu hết hoạt động có liên quan đến quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Ngày 25/11/2014 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015; trong đó đã dành riêng chương riêng (Chương 7) để quy định về các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư như: Quy định về sở hữu chung, sở hữu riêng nhà chung cư; Hội nghị nhà chung cư; Ban quản trị nhà chung cư; giá dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư...

Tiếp đó, ngày 20/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở, trong đó đã quy định về: các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư; việc bàn giao và thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 09/10/2018 về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trong chỉ thị cũng đã quy định trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành có liên quan như: Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.

Cũng liên quan đến vấn đề này, năm 2019, Bộ Xây dựng có Báo cáo số 672 gửi Ủy ban pháp luật của Quốc hội để tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc bất cập và giải pháp tháo gỡ.

Trong đó, theo báo cáo của các địa phương, hiện nay hơn 90% các nhà chung cư trên địa bàn cả nước đặc biệt là tại các thành phố lớn trong đó có thành phố Hà Nội được quản lý, vận hành, sử dụng an toàn ít xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện.

Ngày 13/5/2019, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có văn bản kết luận phiên giải trình về việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc bất cập và giải pháp tháo gỡ.

Tiếp đến, ngày 28/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Trong Nghị định này cũng đã quy định cụ thể các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư và các chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm.

“Các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư nêu trên đã tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hầu hết các hoạt động có liên quan đến quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Các quy định này đã giúp việc quản lý, sử dụng nhà chung cư từng bước đi vào nền nếp, khắc phục được cơ bản những tồn tại trước đây, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng đời sống văn minh, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường của cư dân tại các nhà chung cư góp phần giải quyết hầu hết các vướng mắc, tranh chấp, từng bước tạo nếp sống văn minh, hiện đại tại các đô thị”, Bộ Xây dựng cho biết.

Trước đó, năm 2021, Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 Ban quản trị tại 24 nhà chung cư/cụm nhà chung cư. Đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán để chuyển ngay cho Ban quản trị nhà chung cư với tổng số kinh phí bảo trì hơn 344,96 tỷ đồng, buộc 5/18 chủ đầu tư trả lại 2.080 m2 diện tích lấn chiếm về cho cư dân (có giá trị khoảng 62,40 tỷ đồng). Đã xử phạt vi phạm hành chính 8/18 chủ đầu tư, tổng số tiền là 1,03 tỷ đồng… Các kết luận thanh tra đã giải quyết dứt điểm rất nhiều kiến nghị, khiếu nại gay gắt của cư dân, góp phần ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo an ninh, trật tự địa phương.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương… nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Bộ khẳng định khi phát hiện, sẽ xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Mới đây, tại phiên họp về chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 13 ngày 30/1/2022 thông qua đề nghị xây dựng dự án luật.

Bộ Xây dựng đang cùng với các bộ ngành có liên quan tiếp tục thực hiện các bước theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết đưa dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) của Quốc hội khóa XV.

Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) của Quốc hội khóa XV và thông qua dự án Luật vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) của Quốc hội khóa XV. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024.

Có thể bạn quan tâm