
Đằng sau sự hồi phục của thị trường bất động sản là một “cơn sóng ngầm” của chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Hàng chục nghìn môi giới đang kẹt giữa dòng khi quy định có rồi, nhưng chưa có lối đi thực tiễn để tuân thủ.
89% MÔI GIỚI KHÔNG CÓ CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ
Tại hội thảo “Chứng chỉ hành nghề bất động sản: Vướng ở đâu? Gỡ thế nào?, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, ngành môi giới bất động sản đang đứng giữa thời điểm chuyển giao cực kỳ quan trọng.
Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 đã có hiệu lực từ 1/8/2024 với kỳ vọng lớn trong việc chuẩn hóa đội ngũ hành nghề. Nhưng hiện nay, thị trường đang chứng kiến một “nút thắt thể chế” khi quy định đã có, nhưng hệ thống vận hành lại chưa được khơi thông.
"Các địa phương chưa tổ chức kỳ thi sát hạch, người học không biết nên theo học ở đâu là đúng chuẩn, trong khi các doanh nghiệp thì không thể tuyển dụng đủ nhân sự có chứng chỉ hợp pháp để đảm bảo vận hành theo luật định”, Chủ tịch VARS nhận định.

Chuyên gia VARS đánh giá, đây là một thực tế nhức nhối nhưng âm thầm, giống như cơn “bão ngầm” trong ngành môi giới bất động sản. Nhiều người hành nghề bị mắc kẹt giữa kỳ vọng tuân thủ pháp luật, không có lối đi rõ ràng. Không ai dám lên tiếng, không ai dám kêu, họ chỉ còn cách “gồng mình” để sống chung với bão.
Theo khảo sát của VARS IRE với khoảng gần 30.000 nhà môi giới, đến nay đã có hơn 6.000 học viên hoàn thành chương trình đào tạo theo chuẩn Thông tư 04 nhưng chưa thể tham gia kỳ thi sát hạch, do vướng mắc trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi ở các tỉnh, thành.
Đáng lưu ý, có đến 416 doanh nghiệp môi giới báo cáo thiếu hụt nhân sự đạt chuẩn, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp môi giới không thể tuyển đủ nhân sự hợp pháp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao dịch và quá trình phục hồi thị trường.
Hiện nay, có đến 89% lực lượng môi giới bất động sản hiện nay chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ đã hết hiệu lực. Trong đó, 51,8% chưa có chứng chỉ và chưa từng qua đào tạo, 24,1% đã qua đào tạo nhưng chưa có chứng chỉ, và 12,8% có chứng chỉ nhưng đã hết hiệu lực. Chỉ có 11,3% hiện đang sở hữu chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực.
Điều này phản ánh thực trạng đáng lo ngại về tính pháp lý hành nghề và cũng đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc chuẩn hóa đội ngũ, tăng cường đào tạo và minh bạch hóa quy trình tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ.

Bên cạnh đó, 93% người được khảo sát bày tỏ mong muốn tham gia kỳ thi sát hạch, thể hiện mức độ quan tâm rất cao đến việc tuân thủ quy định pháp luật và nhu cầu được chuẩn hóa kiến thức hành nghề. Có thể nói, việc mong muốn tham gia thi sát hạch là tín hiệu tích cực. đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tổ chức kỳ thi một cách bài bản, linh hoạt.
LÊN KẾ HOẠCH CHỐNG BÃO
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm là rất cần thiết, nhưng song song với đó cần tạo điều kiện thuận lợi để các nhà môi giới bất động sản có “cơ hội được hành nghề đúng quy định”.
Trước khi thanh tra, hãy tạo ra lối đi, tạo ra giải pháp thực tiễn, cụ thể và khả thi để tháo gỡ cho hàng chục ngàn môi giới bất động sản đang bị mắc kẹt trong vùng mù pháp lý.
Cho ý kiến về gỡ vướng hoạt động cấp chứng chỉ môi giới bất động sản, ông Trần Xuân Lượng, Tiến sĩ chuyên ngành Bất động sản, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ, vai trò của lực lượng môi giới bất động sản như một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi giao dịch và phân phối sản phẩm ra thị trường. Nếu thiếu sự phối hợp để nhanh chóng triển khai kỳ thi, thì toàn bộ hệ thống cung - cầu thị trường sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, TS. Trần Xuân Lượng chỉ rõ: “Vấn đề không nằm ở năng lực tổ chức, mà ở sự thiếu đồng bộ trong chỉ đạo và thực thi. Nếu các địa phương tiếp tục chờ nhau hoặc lo ngại trách nhiệm, thì kỳ thi sát hạch sẽ mãi chỉ nằm trên giấy".
Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng VARS cũng đề xuất riêng giải pháp cho từng cơ quan quản lý.
Cụ thể, Bộ Xây dựng cần chủ trì xây dựng và ban hành ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa cho kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo tính minh bạch, khách quan và bám sát thực tiễn pháp luật hiện hành. Đồng thời, công bố công khai ngân hàng câu hỏi để người học có định hướng ôn tập.
Bên cạnh đó, Bộ cũng nên ban hành quy định cụ thể về điều kiện đào tạo, bồi dưỡng nghề môi giới và điều hành sàn giao dịch bất động sản; cập nhật thường xuyên nhằm minh bạch hóa hoạt động đào tạo, tránh tình trạng đào tạo “chui”.
Ngoài ra, Bộ nên có những hướng dẫn cụ thể và tổ chức thí điểm kỳ thi sát hạch tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…

Đối với chính quyền địa phương phải sớm triển khai tổ chức các kỳ thi sát hạch và hướng dẫn thí sinh các bước để đăng ký tham gia các kỳ thi để lấy chứng chỉ môi giới bất động sản.
Hơn nữa, đơn vị này cần xây dựng lộ trình và kế hoạch tổ chức thi định kỳ, có lịch cụ thể hàng năm hoặc 2 lần/năm để đáp ứng nhu cầu thực tế, tránh dồn ứ, gây khó khăn cho lực lượng môi giới.
Khẩn trương khảo sát nhu cầu thi sát hạch tại địa phương, đặc biệt ở các đô thị lớn, khu vực có hoạt động giao dịch bất động sản sôi động.
Bên cạnh đó, các địa phương nên công bố công khai danh sách đơn vị đào tạo đủ điều kiện, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn cơ sở đào tạo hợp pháp, tránh bị lừa đảo hoặc tham gia các khóa học “chui”.
Mặt khác, nên tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo cấcpchứng chỉ. Kiên quyết xử lý các cơ sở đào tạo hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện, tổ chức đào tạo trái quy định hoặc cấp chứng chỉ/bằng cấp không đúng quy trình, mua bán chứng chỉ/chứng nhận.
“Về sàn giao dịch và công ty môi giới nên lựa chọn đơn vị đào tạo uy tín, đúng quy định; rà soát quy trình hoạt động cho đúng với Luật Kinh doanh bất động sản. Còn các môi giới bất động sản chủ động chọn nơi học chất lượng, nâng cao tinh thần tự học và tuân thủ đạo đức hành nghề”, ông Quỳnh cho hay.