
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực công nghiệp ô tô, Kim Long Motor Huế đang cho thấy tham vọng mở rộng hệ sinh thái đầu tư tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Việc đề xuất làm nhà ở xã hội cho thấy doanh nghiệp này không chỉ tập trung sản xuất mà còn hướng đến việc phát triển đô thị và đáp ứng nhu cầu an cư cho người lao động trong khu vực.
ĐỀ NGHỊ LÀM NHÀ Ở XÃ HỘI GẦN 600 TỶ
Mới đây, Ban Quản lý khu kinh tế - công nghiệp thành phố Huế cho biết, đã chấp nhận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Chân Mây (nhà ở xã hội Chân Mây) thuộc khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc, thành phố Huế.
Đây là một trong 15 dự án trọng điểm nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2025 - 2026 tại khu kinh tế, khu công nghiệp thành phố Huế. Dự án do Công ty Kim Long Motor Huế đề xuất và hiện doanh nghiệp này cũng đề nghị được thực hiện dự án.
Dự án có quy mô gần 18.800m2 dự kiến xây dựng tổng cộng 898 căn hộ, trong đó có 780 căn hộ nhà ở xã hội và 118 căn hộ thương mại, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.065 người. Tổng vốn đầu tư của dự án là khoảng 578 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án, không quá 24 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp thành phố Huế đã đề nghị Kim Long Motor Huế chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, tính chính xác, tính hợp pháp của các thông tin, tài liệu, số liệu trong hồ sơ đề xuất dự án đầu tư.
Nhà ở xã hội Chân Mây nằm trong chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2030 với mức giá phù hợp để bán, cho thuê các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo Quy định của Luật Nhà ở 2023. Đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho đô thị Chân Mây trong tương lai.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Kim Long Motor Huế được thành lập tháng 4/2018. Sau 7 năm thành lập, vốn điều lệ của công ty này đã tăng lên gần 8 lần so với thời điểm vừa thành lập.

Cụ thể, vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng, cụ thể, Công ty Cổ phần Kim Long Nam nắm 90% cổ phần, hai cổ đông cá nhân là Nguyễn Hải Đăng và Nguyễn Trí Dũng, mỗi người sở hữu 5%.
Tháng 11/2020, vốn điều lệ của doanh nghiệp ở mức 680 tỷ đồng và cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Đến cuối năm 2024, Kim Long Motor Huế tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 3.977 tỷ đồng, cổ đông vẫn không được tiết lộ.
Tại thời điểm tháng 2/2025, doanh nghiệp này có 6 pháp nhân đại diện pháp luật gồm: Ning Ai Zhong, Phó Tổng giám đốc (Trung Quốc); Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc; Hồ Công Hải, Phó Tổng giám đốc; Lê Quốc Đạt, thành viên Hội đồng quản trị; Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc; Nguyễn Hữu Luận, Chủ tịch Hội đồng quản trị.
DỰ ÁN 260 TRIỆU USD GẶP VƯỚNG TRONG THU HỒI ĐẤT
Không chỉ đóng vai trò chủ lực trong lĩnh vực công nghiệp, doanh nghiệp này đang dần mở rộng dấu ấn sang lĩnh vực phát triển đô thị, cho thấy tham vọng kiến tạo hệ sinh thái đầu tư khép kín tại khu kinh tế chiến lược miền Trung.
Công ty Kim Long Motor Huế hiện là chủ đầu tư dự án khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế với tổng mức đầu tư 260 triệu USD (khoảng 6.500 tỷ đồng) thuộc khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Dự án được triển khai thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 tập trung vào sản xuất, chế tạo các loại động cơ phục vụ ngành công nghiệp ô tô, với mức độ tự động hóa lên đến 90%. Đến nay, dự án này đã đưa giai đoạn 1 gồm: Tổ hợp nhà máy chuyên về sản xuất, lắp ráp xe ô tô; tổ hợp các nhà máy cơ khí, nhà máy sản xuất chế tạo động cơ, hệ thống truyền động và tổ hợp các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô.
Dù vậy, dự án này vẫn gặp nhiều khó khăn trong công cuộc bồi thường, giải phóng mặt bằng thu hồi đất. Trong tháng 1/2025, Ban cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế tổ chức buổi vận động, thuyết phục, đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế.
Hiện người dân chưa đồng ý nhận tiền với các lý do chủ yếu là đơn giá bồi thường về đất ở và tài sản nhà ở thấp; khiếu nại đối với các trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất do không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp; đất vượt hạn mức không được bồi thường;
Hay tài sản tạo lập trái phép sau thời điểm thông báo thu hồi đất không được bồi thường. UBND huyện đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại để tuyên truyền, nắm bắt bổ sung các kiến nghị của các hộ ảnh hưởng.

Nhiều trường hợp đề nghị bố trí tái định cư hộ phụ nhưng không đủ điều kiện theo quy định của UBND tỉnh về bố trí tái định cư cho hộ phụ như đi làm ăn xa không thường xuyên sinh sống tại địa phương; chỉ có vợ hoặc chồng có chung hộ, sinh sống thường xuyên với hộ chính; kết hôn sau thời điểm thu hồi đất nhưng trước thời điểm quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư...
Diện tích còn lại các hộ chưa chịu bàn giao đất chủ yếu phần nhiều là đất ở có nhà ở (60 hộ chưa nhận bố trí tái định cư).