Xử lý xong yếu huyệt, tỷ giá USD/VND trở lại bình thường

Điều chỉnh chính sách, diễn biến của tỷ giá USD/VND hai ngày qua đã trở lại bình thường...
Xử lý xong yếu huyệt, tỷ giá USD/VND trở lại bình thường

Ngày 24/7, một ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng giá bán ra USD, tỷ giá USD/VND tiếp tục biến động mạnh, tạo mốc cao mới nhưng không ổn định.

Thoạt tiên, một loạt thông tin trên thị trường dường như bất ngờ khi đề cập rằng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng giá bán ra USD. Thực ra, điều này hoàn toàn bình thường.

Sau hơn hai năm thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm, thị trường đã quen với tỷ giá USD/VND ở các kênh khác nhau thay đổi qua từng ngày, do điểm tham chiếu là tỷ giá trung tâm cũng tăng hoặc giảm linh hoạt hàng ngày.

Chỉ khác ở điểm tiếp nhận trên thị trường nếu chỉ theo cảm quan bình thường, đã có nhầm lẫn rằng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng giá bán ra USD ngày 24/7 (sau khi tăng mạnh gần 1% trong ngày 23/7).

Về bản chất của cơ chế điều hành tỷ giá, các cấu phần vẫn giữ nguyên: tỷ giá trung tâm, biên độ 3% và Ngân hàng Nhà nước áp giá bán ra thấp hơn mức trần 50 VND như trước đây. Theo đó, mức giá bán ra của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước ngày 24/7 tăng nhẹ do tịnh tiến theo "công thức" trên, khi tỷ giá trung tâm tăng lên.

Trong thời gian qua, tỷ giá trung tâm thường xuyên thay đổi hàng ngày, mức thay đổi 10 - 15 VND mỗi ngày đã quen thuộc, nên sự "tịnh tiến" của giá bán ra nói trên là bình thường (và nếu những ngày tới tỷ giá trung tâm giảm thì giá bán ra này cũng giảm theo).

Điểm mấu chốt trong diễn biến hai ngày qua là Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi cách can thiệp vào diễn biến tỷ giá USD/VND; chuyển từ can thiệp bằng bán ra ngoại tệ giá thấp, sang bán ra (nếu có) theo giá của cơ chế bình thường.

Tưởng như, nhìn đơn giản thì thay đổi đó như là Ngân hàng Nhà nước đã ngừng can thiệp, hoặc "buông bỏ" sau khoảng nửa tháng ráo riết sử dụng các công cụ để giữ ổn định tỷ giá. Nhưng về bản chất, thay đổi này là chuyển động về chất của chính sách can thiệp (tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực thuộc phạm trù khác).

Điểm đầu tiên nhận thấy ngay ở thay đổi trên: quyết định Ngân hàng Nhà nước đưa ra ngay sau khi một yếu huyệt của tỷ giá USD/VND đã được khắc phục một cách rõ rệt, trên nền của một trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống đã dương trong hai ngày 23 và 24/7.

Đầu tháng 6/2018, trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), trù tính trước tỷ giá USD/VND sẽ có biến động, Thống đốc Lê Minh Hưng chia sẻ với VnEconomy rằng, một trong những việc đầu tiền phải xử lý là khắc phục trạng thái âm của điểm hoán đổi lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng.

Thực tế, sau nửa năm 2018, tín dụng tăng thấp nhất trong ba năm trở lại đây, trong khi nguồn tiền thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn đổ về, giải ngân đầu tư công tiếp tục rất chậm, góp phần tạo trạng thái ứ thừa tiền đồng. Lãi suất VND qua đêm trên liên ngân hàng liên tục rơi sâu, xuống dưới 0,7%/năm, chỉ bằng khoảng phân nửa so với lãi suất USD trên cùng thị trường.

Chênh lệch lãi suất quá lớn đó (lãi suất USD cao hơn nhiều so với lãi suất VND trên liên ngân hàng) gây áp lực trực tiếp đến tỷ giá, vì nó sát sườn với lợi ích lựa chọn đầu tư, nắm giữ đồng tiền nào, cũng như đội lên ở các giao dịch kỳ hạn.

Sau đúng một tháng, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp mở rộng kỳ hạn tín phiếu phát hành hút bớt tiền về, điều tiết thanh khoản hệ thống rát hơn, và lãi suất VND bật tăng rất nhanh trên liên ngân hàng; điểm hoán đổi lãi suất VND-USD đã chênh lệch vượt trội để giảm sức nóng lên tỷ giá.

Tính đến đầu tuần này, lãi suất VND qua đêm đã vọt lên tới 4,33%/năm, gấp đôi so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng. Tương quan này cũng thể hiện ở các kỳ hạn ngắn khác.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng xử lý xong yếu huyệt đối với tỷ giá là chênh lệch lãi suất. Điểm đáng chú ý là, việc xử lý này hiện không gây ảnh hưởng trên thị trường huy động - cho vay dân cư và doanh nghiệp.

Tạo được thay đổi quan trọng trong cân đối nói trên, cũng như trạng thái ngoại tệ của hệ thống đã dương, Ngân hàng Nhà nước trở lại can thiệp tỷ giá theo cách bình thường trước đây: chỉ bán ra hỗ trợ với giá thấp hơn trần một bước nhỏ.

Thay đổi trên cũng chính thức trả lại biên độ bình thường để tỷ giá biến động (dao động 3% so với tỷ giá trung tâm), chứ không chặn lại bởi mức giá bán ra thấp nữa.

Việc không chặn bớt không gian biến động tỷ giá bằng giá bán ra thấp đồng nghĩa với việc trả lại môi trường để nó phản ánh đúng thực tế hơn các vận động trên thị trường, trong nước và thế giới bên ngoài.

Việt Nam và tỷ giá USD/VND không phải là một ốc đảo. Thế giới bên ngoài đang biến động mạnh với quan ngại chuyển thể chiến tranh thương mại sang chiến tranh tiền tệ. Chỉ riêng đồng Nhân dân tệ, mức suy giảm gần 9% trong khoảng ba tháng trở lại đây đã là một trọng số tham khảo và tác động, hay nhiều đồng tiền trên thế giới cũng đã giảm 5-7% cùng loạt ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất…

Trong bối cảnh đó, mức tăng khoảng 2% của tỷ giá USD/VND tính từ đầu năm đến nay không hẳn quá đột biến và vượt tầm kiểm soát.

Và với lợi ích đã được nâng lên, với mức giá cao hơn, người dân và doanh nghiệp có ngoại tệ dễ hài lòng bán ra, tạo cung cho thị trường, thay vì găm giữ vì tỷ giá bị kìm nén trước nhiều yếu tố lớn tác động, nhất là từ thế giới bên ngoài.

Theo Vneconomy

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...