Xu thế chứng khoán ngày 18/5: Vẫn cần thêm những tín hiệu để xác nhận xu hướng của thị trường

Chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm nhẹ cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn đang còn lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại.

Chứng khoán ngày 17/5, VN-Index phiên giao dịch sáng hôm nay phục hồi tăng lên vùng 1.070 điểm dưới ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu lớn như VIC, VHM, VCB ... với thanh khoản suy giảm. Tuy nhiên áp lực bán gia tăng trong phiên chiều khiến cho VN-Index giảm 5,47 điểm (-0,51%) về 1.060,44 điểm, HNX-Index giảm 1,76 điểm (-0,82%) về 214,62 điểm. Độ rộng trên cả 2 sàn nghiêng về hướng tiêu cực khi có tổng cộng 339 mã giảm điểm (7 mã giảm sàn), 228 mã tăng điểm (25 mã tăng trần) và 119 mã tham chiếu.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 14.906,89 tỉ đồng, tăng 16,43% so với phiên trước thể hiện áp lực bán gia tăng mạnh ở nhiều mã, nhóm mã, khối lượng giao dịch cũng gia tăng mạnh 28,7% trên HOSE và 27% trên HNX. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên HOSE với giá trị 102,85 tỉ đồng. Mua ròng trên HNX với giá trị 13,62 tỉ đồng.

Thông tin nổi bật trong ngày hôm nay là Chính phủ rút lại đề xuất giảm thuế VAT 2% với nhóm hàng hoá như: Viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản,.... Theo đó Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết 43/2022, sau khi tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Qua đó các nhóm ngành trên chịu áp lực điều chỉnh, bán với thanh khoản gia tăng mạnh như. Cụ thể như nhóm bất động sản ngoài LDG (+6,96%), QCG (+6,79%), TDC (+6,33%), VHM (+2,30%) tăng điểm thì đa phần chịu áp lực bán như NLG (-4,52%), DRH (-4,35%), DXG (-3,79%), CEO (-3,44%)...

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng chịu áp lực điều chỉnh với khối lượng giao dịch trên mức trung bình như APS (-4,73%), CTS (-3,76%), VIX (-3,50%), BSI (-3,50%), MBS (-3,50%)...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chịu áp lực điều chỉnh, đa số thanh khoản dưới mức trung bình như TPB (-2,52%), EIB (-2,33%), VPB (-2,04%), MBB (-1,45%)...

Nhóm cổ phiếu dầu khí sau phiên tăng điểm trước với khối lượng giao dịch đột biến, chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản giảm với PVC (+2,96%), BSR (-2,40%), OIL (-2,11%), PVD (-1,79%), PVS (-1,12%)...

Các cổ phiếu nhóm khu công nghiệp, xây dựng, vật liệu xây dựng đa số cũng có diễn biến tương tự với áp lực bán ngắn hạn như KBC (-3,13%), VGC (-2,98%), SZC (-2,83%)... VCG (-2,77%), KSB (-2,55%), C4G (-2,31%), LCG (-1,96%)...

Trong khi đó nhóm phân bón lại có diễn biến khá tích cực, thanh khoản cải thiện tốt như LAS (+4,00%), DDV (+3,33%), DPM (+0,92%) và nhiều mã vốn hóa nhỏ, có tính chất đầu cơ vẫn có mức độ phục hồi mạnh.

chứng khoán ngày

Bước vào giai đoạn biến động mạnh

Chứng khoán Yuanta (FSC)

Chứng khoán Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh về vùng 1,050 – 1,055 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên nhịp điều chỉnh có thể sẽ nhanh chóng kết và thị trường cũng sẽ nhanh chóng quay trở lại đà tăng.

Đồ thị giá của chỉ số VNMidcaps đang giảm về gần vùng quá bán cho nên lực cầu bắt đáy có thể sẽ gia tăng ở nhóm cổ phiếu này trong phiên kế tiếp. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm nhẹ cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn đang còn lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể dừng bán ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn cũng có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức 14,5x

Chứng khoán Mirae Asset

Kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục giữ được thế cân bằng giữa bên mua và bán, nhưng lực cung mạnh bất ngờ xuất hiện ở trong phiền chiều đã nhanh chóng làm cho chỉ số này mất điểm, và dần chuyển sang sắc đỏ. 

Điểm sáng trong phiên đến từ diễn biến giao dịch của nhóm đầu tư nước ngoài, khi mà nhóm này quay trở lại mua ròng hơn 115 tỷ trên cả 2 sàn HNX và HOSE. Trong đó, HPG là mã được mua ròng mạnh hơn 215 tỷ và đứng vị trí thứ 2 là VHM với 74 tỷ. Ngược lại, VNM và SHB đứng đầu ở chiều bán ở mức 84 tỷ và 49 tỷ.
Mặc dù giảm điểm, nhưng điểm số đánh giá kỹ thuật của VN-Index vẫn được duy trì ở mức +4 điểm và trạng thái trong ngắn hạn là khả quan. Hệ số P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức 14,5x.

Áp lực bán vẫn còn khá mạnh mẽ

Chứng khoán Rồng Việt (VDS)

Thị trường hồi phục bất thành và tiếp tục đi lùi dưới sức ép gia tăng của nguồn cung trong phiên chiều. Thanh khoản tăng cao trở lại, đi kèm với diễn biến suy yếu trên diện rộng, cho thấy sự hiện diện của áp lực bán vẫn còn khá mạnh mẽ.

Dù vậy, mức giảm điểm chưa lớn. Do đó, tạm thời vẫn có thể tiếp tục kỳ vọng VN-Index được hỗ trợ tại vùng 1.055 – 1.060 điểm và hồi phục trở lại để kiểm tra lại nguồn cung.

Với kịch bản này, khuyến nghị nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng hỗ trợ, có thể cân nhắc nắm giữ hoặc khai thác cơ hội ngắn hạn tại các cổ phiếu có tín hiệu kỹ thuật tốt và thu hút dòng tiền trong thời gian gần đây.

Vẫn đóng cửa trên đường hỗ trợ của kênh tích lũy 

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Phiên hôm nay VN-Index điều chỉnh giảm -5,47 điểm (-0,51%) tuy nhiên vẫn đóng cửa trên đường hỗ trợ của kênh tích lũy và trên MA20, kịch bản đã sớm dự báo trong các bản tin trước.

Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, VN-Index vẫn duy trì trong nhịp hồi phục mới được thiết lập trong tuần trước với mục tiêu có thể là khu vực kháng cự 1.100 điểm - 1.150 điểm tương ứng với vùng đỉnh cũ của các sóng hồi trước đây. Xu hướng trung - dài hạn của chỉ số tiếp tục chuyển đổi dần sang giai đoạn hậu tích lũy sau khi thoát ra khỏi kênh và có thể hình thành xu hướng tăng mới. Trong trường hợp kém khả quan (không vượt được ngưỡng 1.150 điểm) thì ngưỡng hỗ trợ của VnIndex sẽ quanh khu vực 1.000 điểm - 1.050 điểm.

Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để giải ngân với tỷ trọng trung bình. Nhà đầu tư trung, dài hạn duy trì danh mục hiện tại sau khi đã mua vào như chúng tôi thường xuyên khuyến nghị thời gian qua và có thể xem xét gia tăng thêm tỷ trọng các cổ phiếu mục tiêu trong các nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ của chỉ số. 

Đứng ngoài quan sát diễn biến

Chứng khoán KIS

Thị trường trở nên thận trọng sau phiên giảm điểm. Nhóm cổ phiếu Dầu khí và Năng lượng hưởng lợi sau khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch điện VIII.

Thị trường chững lại và thanh khoản giảm chưa hẳn là tín hiệu xấu. Theo đó, vẫn cần thêm những tín hiệu để xác nhận xu hướng của thị trường. Vì thế, khuyến nghị nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát diễn biến tiếp theo của thị trường

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được ThuonggiaOnline trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Có thể bạn quan tâm