Chứng khoán ngày 26/3, VN-Index trong phiên hôm nay chỉ điều chỉnh nhẹ đầu phiên, sau đó phục hồi tốt đến cuối phiên. Kết phiên VN-Index tăng tốt 14,35 điểm (+1,13%) lên mức 1.282,21 điểm vượt lên vùng giá cao nhất 2 tuần trước và lấy lại điểm số đã giảm phiên trước.
HNX-Index tương tự tăng 1,22 điểm (0,51%) lên mức 242,03 điểm. Độ rộng thị trường tích cực trở lại với nhiều mã tăng giá tốt, vượt vùng giá đỉnh gần nhất khi có 343 mã tăng giá (21 mã tăng trần), 154 mã giảm giá (5 mã giảm sàn) và 108 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết giảm mạnh 26,52% so với phiên trước khi chỉ có 23.603,22 tỷ đồng được giao dịch, ở mức mức trung bình với khối lượng giao dịch của VN-Index giảm khá mạnh 26,38%. Một phần nguyên nhân có thể đến từ tình trạng thành viên công ty chứng khoán VNDirect vẫn chưa kết nối giao dịch với HOSE và HNX.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên HOSE với giá trị 174,73 tỷ đồng, bán ròng trên HNX với giá trị 75,85 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su có diễn biến nổi bật trong phiên hôm nay khi nhiều mã tăng giá mạnh vượt vùng giá đỉnh cũ, thanh khoản gia tăng khá tốt sau những phiên chiều áp lực điều chỉnh, nổi bật với D2D (+6,99%) trước thông tin kế hoạch kinh doanh và chia cổ tức, DPR (+6,95%), GVR (+6,27%), TIP (+3,24%0, KBC (+3,14%0, VGC (+2,97%).... ngoài IDV (-1,04%)...
Các cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến tích cực với nhiều mã tăng giá mạnh, thanh khoản gia tăng tốt, thu hút lực cầu gia tăng mạnh trong bối cảnh thanh khoản thị trường chung giảm khá mạnh với VRC (+6,98%), NHA (+6,91%), ITC (+6,90%), VPH (+6,89%), QCG (+6,88%), ASM (+6,67%)...
Các cổ phiếu ngân hàng cũng phục hồi tốt sau phiên giảm điểm, tuy nhiên đa số thanh khoản suy giảm, dưới mức trung bình ngoài các mã khá nổi bật như VPB (+3,70%), HDB (+2,76%), TPB (+2,57%)...
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán ngoài VND (-2,09%) tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh mạnh, thanh khoản rất đột biến thì đa số cũng phục hồi tốt trở lại với thanh khoản suy giảm như CSI (+7,58%), VIX (+3,71%), VCI (+2,31%), VDS (+2,31%)...
Các nhóm ngành khác như thủy sản IDI (+2,81%), FMC (+1,84%), ANV (+1,47%)... chăn nuôi DBC (+2,77%), HAG (+1,20%)... phân bón DPM (+2,27%), DCM (+1,89%).. dầu khí PVD (+2,99%), PVB (+2,58%), PLX (+1,60%).... phục hồi mạnh mẽ sau phiên giảm điểm trước, nhiều mã vượt lên vùng giá đỉnh phiên trước dù thanh khoản đa số suy giảm.
Tiếp tục xu hướng tích lũy trên ngưỡng 1.280 điểm
Chứng khoán BIDV (BSC)
Trong những phiên tới, VN-Index vẫn có thể tiếp tục xu hướng tích lũy trên ngưỡng 1.280 để trở lại 1.300.
VN-Index sẽ vẫn duy trì nhịp tăng trong ngắn hạn
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index kết phiên với nến xanh tăng điểm xóa đi tín hiệu xấu của cây nến hôm qua. Ở khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI đang hướng lên, MACD và chỉ báo dòng tiền CMF vẫn neo ở vùng cao cho thấy sức mua vẫn còn dư địa tăng.
Thị trường đang có dấu hiệu sideway tích lũy và nếu thanh khoản vẫn gia tăng ổn định thì VN-Index sẽ sớm tiến lên khu vực 1.300 - 1.310 tương đương với thang đo Fibonacci mở rộng 0,382 tính từ nhịp tăng điểm cuối tháng 12 năm ngoái.
Ở khung đồ thị giờ, dải Bollinger band đang có xu hướng bó hẹp, đường DI+ hướng lên quanh mốc 29 nên nhiều khả năng thị trường sẽ duy trì đi ngang để lấy lại động lực trước khi tăng điểm trở lại. Bên cạnh đó, chỉ báo MACD hiện mới chỉ hình thành 1 đỉnh cho thấy VN-Index sẽ vẫn duy trì nhịp tăng trong ngắn hạn.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu đối với những nhóm ngành đang thu hút dòng tiền tốt như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn giải ngân mua mới với những cổ phiếu chưa bứt lên quá cao so với nền giá gần nhất, đồng thời nên hạn chế lạm dụng đòn bẩy trong giai đoạn mức độ biến động của thị trường vẫn còn khá lớn như hiện tại.
VN-Index khó bứt phá mạnh
Chứng khoán Kiến Thiết (CSI)
Phiên tăng mạnh về điểm số nhưng thanh khoản sụt giảm, phần nào cho thấy xung lực tăng điểm khó mà bứt phá mạnh ngay được, thậm chí có thể có những rung lắc trong các phiên tới.
Vì vậy, CSI tiếp tục giữ quan điểm thận trọng, hạn chế việc mua đuổi, chỉ nên mua khi thị trường chung điều chỉnh. Công ty chứng khoán tiếp tục duy trì kỳ vọng VN-Index sẽ tiến tới mốc kháng cự 1.317 - 1.325 điểm trong các tuần tới.
Tận dụng các nhịp rung lắc kỹ thuật để tái cơ cấu lại danh mục
Chứng khoán Phú Hưng (PHS)
Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm trở lại. Khối lượng giao dịch xuống dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý áp lực chốt lời có thể đã được hấp thụ ở những phiên trước đó.
Không những vậy, chỉ số đi lên với nến tăng cô đặc phủ nhận hoàn toàn nến giảm liền trước và duy trì đóng cửa trên MA5, cùng với MA5 giữ trạng thái phân kỳ dương so với MA20, cho thấy xu hướng phục hồi đang tiếp diễn.
Thêm vào đó, đường RSI hướng lên vùng 63 và đường +DI nằm trên –DI thể hiện đà tăng đang mạnh lên và chỉ số có thể đi lên thử thách ngưỡng kháng cự gần quanh vùng tâm lý 1.300 điểm hoặc xa hơn là vùng 1.400 điểm.
Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên tăng trở lại và duy trì đóng cửa trên MA5, cùng với đường MA5 giữ trạng thái phân kỳ dương so với MA20, cho thấy xu hướng phục hồi đang tiếp diễn và chỉ số có thể hướng lên thử thách ngưỡng tâm lý 250 điểm.
Nhìn chung, thị trường vẫn giữ xu hướng phục hồi sau phiên tăng 26/3. Do đó, nhà đầu tư có thể tiếp tận dụng các nhịp rung lắc kỹ thuật để tái cơ cấu lại danh mục của mình hợp lý hơn. Trong đó ưu tiên các cổ phiếu có cơ bản tốt, kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng và đang thu hút được dòng tiền mạnh.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.