Kết thúc phiên 25/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 162,13 điểm (-0,41%) thành 39.313,77 điểm, S&P 500 mất 15,97 điểm (-0,31%) xuống 5.218,21 điểm và Nasdaq Composite trượt 44,35 điểm (-0,27%) còn 16.384,47 điểm.
Nhờ sự hỗ trợ từ các nhà sản xuất chip như Nvidia và Micron Technology mà chỉ số Nasdaq gần như không thay đổi trong hầu hết phiên giao dịch nhưng sau đó giảm nhẹ vào cuối ngày. Nvidia tăng 0,76% trong khi Micron Technology thêm 6,28% lên mức kỷ lục đóng cửa là 117,04 USD.
Cổ phiếu ngành bán dẫn có nhiều biến động, chứng kiến sự suy yếu trong thời gian đầu sau khi có một báo cáo cuối tuần qua cho biết Trung Quốc đã đưa ra hướng dẫn loại bỏ dần các bộ vi xử lý do Intel và AMD của Mỹ cung cấp trong máy tính cá nhân của nhân viên và máy chủ của chính phủ.
Chỉ số Chất bán dẫn Philadelphia kết thúc phiên hạ 0,34% sau khi liên tục di chuyển giữa lãi và lỗ trong ngày. Intel giảm 1,74% và AMD đóng cửa thấp hơn 0,57%.
Trong khi đó, Boeing phục hồi 1,36% nhờ thông báo về một cuộc cải tổ hệ thống quản lý trên diện rộng và cho biết Giám đốc điều hành Dave Calhoun sẽ từ chức vào cuối năm 2024.
Walt Disney cũng tăng 3,01% với vị thế là cổ phiếu có hoạt động tốt nhất trên chỉ số Dow Jones sau khi Barclays nâng hạng cổ phiếu từ "tỷ trọng tương đương" lên “tăng tỷ trọng”.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 9,67 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,27 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu cho thấy doanh số bán nhà mới dành cho một hộ gia đình ở Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 2 sau khi lãi suất thế chấp tăng.
Số liệu về chỉ số giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) cho tháng 2, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố vào cuối tuần này khi thị trường Mỹ đóng cửa để nghỉ lễ Thứ Sáu Tuần Thánh. Dữ liệu này có thể làm tăng kỳ vọng của thị trường về thời điểm cắt giảm lãi suất.
Theo CME's FedWatch Tool, kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6 lại tăng lên, với các thị trường hiện đang đặt cược 71,9% cơ hội cắt giảm ít nhất 0,25 điểm phần trăm.
Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee lưu ý rằng ông đồng tình với đề xuất ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, trong khi Thống đốc Fed Lisa Cook lại tin rằng ngân hàng trung ương cần tiến hành thận trọng trước khi quyết định thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất.
“Fed đã đưa ra mọi thông tin rõ ràng vào thời điểm hiện tại. Họ chưa cắt giảm bất cứ thứ gì, tiếp tục duy trì mức lãi suất hiện tại và thị trường vẫn OK với điều đó... Trên thực tế họ đang làm tốt công việc “để dành đạn” cho tới đúng thời điểm”, Joe Saluzzi, đối tác, đồng sáng lập và đồng giám đốc Themis Trading nhận xét.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng cao hơn vào thứ Hai sau tin tức chính phủ Nga ra lệnh hạn chế sản lượng dầu. Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,32 USD, hay 1,55%, ở mức 86,75 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ cao hơn 1,32 USD, tương đương 1,64%, ở mức 81,95 USD/thùng.
Cả hai loại dầu chuẩn đều đã có mức tăng đều đặn trong năm nay, với dầu Brent tăng gần 11% và dầu WTI tăng khoảng 12,5% tính đến cuối tuần trước nhờ vào kỳ vọng rằng lãi suất ở các nền kinh tế lớn sẽ giảm vào mùa hè và khi căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu và Trung Đông vẫn còn đó.
Moscow đã yêu cầu các công ty thuộc sở hữu nhà nước cắt giảm sản lượng dầu trong quý 2 để đạt mục tiêu sản xuất 9 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 6, phù hợp với cam kết với nhóm sản xuất OPEC+, ba nguồn tin trong ngành cho biết.
“Nga cam kết cắt giảm cùng OPEC+. Họ đang nhìn xa hơn các nguyên tắc cơ bản về cung và cầu hiện tại để xem xét sự thống nhất với OPEC+, cũng như nguy cơ xảy ra cú sốc giá lớn hơn trong tương lai”, Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures đánh giá.
Bên cạnh đó, các cuộc tấn công vào cơ sở năng lượng Nga và cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine cũng đã làm dấy lên lo ngại về nguồn cung, ông Hiroyuki Kikukawa - chủ tịch NS Trading, một đơn vị của Nissan Securities, lưu ý.